Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 8

    Hôm nay: 2198

    Đã truy cập: 2329509

Một số suy nghĩ về nâng cao chất lượng sinh hoạt công đoàn cơ sở

Như chúng ta đều biết: Công đoàn cơ sở (CĐCS) có vững mạnh thì tổ chức Công đoàn mới vững mạnh. Vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn cao hay thấp phụ thuộc vào những gì Công đoàn đem lại cho CNVCLĐ. Để phát huy được vai trò đó, việc tổ chức sinh hoạt thường xuyên là yếu tố rất cần thiết. Và đó cũng là một trong các điều kiện để đánh giá công đoàn vững mạnh.

         Thực tế cho thấy, CĐCS nơi nào có nội dung sinh hoạt đa dạng, hấp dẫn thì công đoàn nơi đó có phong trào CNVCLĐ sôi nổi, phong phú, tinh thần dân chủ được phát huy. Ngược lại, những CĐCS tổ chức sinh hoạt lấy lệ, qua loa đại khái, ít người quan tâm bàn bạc, thảo luận đến nội dung sinh hoạt thì ở những nơi đó, hoạt động công đoàn rất mờ nhạt hoặc kém hiệu quả.

          Để nâng cao chất lượng sinh hoạt, trước hết, các CĐCS phải gắn việc đổi mới nội dung với phương thức hoạt động. Căn cứ vào các chức năng, nhiệm vụ cơ bản của tổ chức Công đoàn, vào các chương trình hoạt động của Công đoàn cấp trên và bám sát vào nhiệm vụ chính trị của cơ quan, kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị, công ty, CĐCS xây dựng nội dung, phương pháp hoạt động. Định kỳ, CĐCS cần đánh giá kết quả phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn, tổng kết công tác thi đua khen thưởng, xây dựng chương trình nhiệm vụ cho năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, chọn những việc trọng tâm cần tổ chức triển khai trong từng tháng, từng quý hoặc vào dịp các ngày kỷ niệm lịch sử của đất nước, của dân tộc hoặc của ngành, địa phương mình.                       

       Trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, một trong các công việc CĐCS cần chú trọng là phối hợp chuyên môn tổ chức tốt hội nghị cán bộ, công chức, phát huy dân chủ trong mọi hoạt động của cơ quan, xây dựng các tiêu chí thi đua và đăng kí các danh hiệu thi đua của cá nhân, tập thể.

 

Ảnh minh họa: Một buổi sinh hoạt CĐCS doanh nghiệp

       Đối với các CĐCS tại doanh nghiệp, CĐCS phối hợp với chủ sử dụng lao động xây dựng và ký kết thoả ước lao động tập thể, tổ chức ký kết giao ước thi đua với “năng suất – chất lượng – sáng kiến – tiết kiệm – an toàn vệ sinh lao động” trong CNVCLĐ. Bên cạnh đó, tuỳ theo tình hình thực tế, hàng tháng, Ban chấp hành Công đoàn có thể xây dựng nội dung sinh hoạt phù hợp. Điều cần chú ý là, trong mỗi kỳ sinh hoạt, Ban chấp hành Công đoàn nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tìm hiểu hoàn cảnh của CNVCLĐ; nhắc nhở đoàn viên thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm trong công tác, cải tiến lề lối làm việc, xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở hoặc chấp hành nghiêm túc kỷ luật, nội quy lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, giảm các chi phí hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu suất của máy móc, thiết bị để tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng cao. Nội dung sinh hoạt cần đề cập đến các vấn đề thiết thực như các quyền lợi cơ bản, hợp pháp, chính đáng về tiền lương, tiền thưởng, BHXH, BHYT, bảo hộ lao động, chế độ độc hại, làm thêm giờ mà người lao động trong các doanh nghiệp quan tâm hay các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống, đào tạo, đề bạt, thi đua khen thưởng, khoán chi hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính sự nghiệp.

       Mỗi kỳ sinh hoạt, CĐCS nên tập trung vào 1-2 nội dung cơ bản, không nên dàn trải nhiều hoặc rập khuôn cứng nhắc. Trong sinh hoạt lấy CNVCLĐ làm trung tâm nhằm phát huy trí tuệ cá nhân thành sức mạnh tập thể. Đó là điều cốt lõi trong nâng cao chất lượng sinh hoạt CĐCS. Trước khi tổ chức sinh hoạt, Ban chấp hành Công đoàn nhất thiết phải họp trước để bàn kỹ nội dung của cuộc họp, điều hành linh hoạt, rõ ràng. Trong sinh hoạt cần tạo bầu không khí cởi mở, dân chủ để đoàn viên gắn bó với tổ chức Công đoàn… Có như vậy, CĐCS mới phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên.

       Để làm được tốt những việc nêu trên phải có một BCH, BTV thật sự đoàn kết thống nhât, năng động sáng tạo, trách nhiệm cao, không quản “thổi tù và” vì tổ chức và đoàn viên. Cá nhân Chủ tịch và Phó chủ tịch CĐCS, phải đúng là thủ lĩnh của tổ chức vừa giỏi cả tham mưu và tổ chức thực hiện thì chắc chắn hiệu quả hoạt động cũng như uy tín của tổ chức CĐ luôn được phát huy tốt nhất.

Ngọc Điệp- Chủ tịch CĐ ngành Công thương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa