Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 12

    Hôm nay: 1908

    Đã truy cập: 2311898

Quy trình giải quyết tai nạn lao động tại cơ sở

Công tác An toàn, vệ sinh lao động luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Theo đó đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện như: Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, Nghị định số 39/2016/NĐ-CP, Nghị định 44/2016/NĐ-CP, Nghị định 44/2017/NĐ-CP, Nghị định 88/2020/NĐ-CP, …… Tuy nhiên trong thời gian qua vẫn còn để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người lao động và quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, uy tín của các đơn vị.

Nếu không may để xảy ra tai nạn thì trách nhiệm, nghĩa vụ của đơn vị như thế nào, những công việc cần làm và thực hiện ra sao. Quá trình khắc phục, giải quyết hậu quả và đối với người lao động thì được hưởng các chế độ gì? Thủ tục, hồ sơ quy định như thế nào. Xin trao đổi về Quy trình giải quyết tai nạn lao động tại cơ sở để các đơn vị biết, nắm được.

 

Ảnh minh họa một vụ tai nạn lao động

Tại khoản 8, Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 đã quy định: Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Ảnh minh họa cấp cứu người bị tai nạn lao động

Theo Điều 9 Nghị định 39/2016/NĐ-CP đã phân loại tai nạn lao động:

- Tai nạn lao động làm chết người lao động là tai nạn lao động mà người lao động bị chết theo một trong các trường hợp sau đây:

+ Chết tại nơi xảy ra tai nạn.

+ Chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu.

+ Chết trong thời gian điều trị hoặc chết do tái phát của vết thương do tai nạn lao động gây ra theo kết luận tại biên bản giám định pháp y.

+ Người lao động được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích.

Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng là tai nạn lao động làm người lao động bị ít nhất một trong những chấn thương theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.

Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nhẹ là tai nạn lao động không thuộc trường hợp Tai nạn lao động chết người và Tai nạn lao động nặng.

Về Quy trình giải quyết tai nạn lao động tại cơ sở 

Điều 38 luật ATVSLĐ, Điều 18 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động phải làm như sau:

1. Kịp thời tổ chức sơ cứu, cấp cứu người bị nạn và tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động.

2. Khai báo tai nạn lao động:

- Khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thì người bị tai nạn hoặc người biết sự việc phải báo ngay cho người phụ trách trực tiếp, người sử dụng lao động biết để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả xảy ra;

- Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên, người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn phải khai báo theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP và khai báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như sau:

+ Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn; trường hợp tai nạn làm chết người thì phải đồng thời báo ngay cho cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).

Lưu ý: Trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân ngoài việc thực hiện khai báo theo quy định trên còn báo cáo của luật chuyên ngành và với Bộ quản lý ngành lĩnh vực đó theo thẩm quyền quy định;

- Khi xảy ra tai nạn lao động làm chết người hoặc bị thương nặng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì gia đình nạn nhân hoặc người phát hiện có trách nhiệm khai báo ngay với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi xảy ra tai nạn lao động để kịp thời có biện pháp xử lý.

3. Giữ nguyên hiện trường vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng theo nguyên tắc sau đây:

- Trường hợp phải cấp cứu người bị nạn, ngăn chặn những rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra cho người khác mà làm xáo trộn hiện trường thì người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động phải có trách nhiệm vẽ lại sơ đồ hiện trường, lập biên bản, chụp ảnh, quay phim hiện trường (nếu có thể);

- Chỉ được xóa bỏ hiện trường và mai táng tử thi (nếu có) sau khi đã hoàn thành các bước Điều tra theo quy định và được sự đồng ý bằng văn bản của Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh hoặc cơ quan công an.​

4. Thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở trong trường hợp tai nạn lao động nhẹ hoặc tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động (Khoản 1 Điều 11 Nghị định 39/2016/NĐ-CP), cụ thể như sau:

- Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động nhẹ hoặc tai nạn lao động làm bị thương nặng 01 người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của người sử dụng lao động quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật ATVSLĐ, người sử dụng lao động phải thành lập ngay Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.

Đối với các vụ tai nạn lao động xảy ra tại nơi thuộc thẩm quyền quản lý của người sử dụng lao động, nhưng nạn nhân là người lao động thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động khác, thì người sử dụng lao động tại nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, đồng thời mời đại diện người sử dụng lao động của nạn nhân tham gia Đoàn Điều tra.

- Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở Điều tra theo quy trình, thủ tục quy định tại Điều 13 Nghị định 39/2016/NĐ-CP:

+ Thu thập dấu vết, chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động.

+ Lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định Nghị định 39/2016/NĐ-CP.

+ Đề nghị giám định kỹ thuật, giám định pháp y (nếu xét thấy cần thiết).

+ Phân tích kết luận về: diễn biến, nguyên nhân gây ra tai nạn lao động; kết luận về vụ tai nạn lao động; mức độ vi phạm và đề nghị hình thức xử lý đối với người có lỗi trong vụ tai nạn lao động; các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tai nạn lao động tương tự hoặc tái diễn.

+ Lập Biên bản Điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.

+ Tổ chức cuộc họp và lập Biên bản cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục XI kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.

+ Thành phần cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động bao gồm: Trưởng đoàn Điều tra tai nạn lao động; Người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản; Thành viên Đoàn Điều tra tai nạn lao động; Người bị nạn hoặc đại diện thân nhân người bị nạn, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn; Đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập Công đoàn cơ sở.

- Thành viên dự họp có ý kiến không nhất trí với nội dung Biên bản Điều tra tai nạn lao động thì được ghi ý kiến và ký tên vào Biên bản cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động, Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở gửi Biên bản Điều tra tai nạn lao động, Biên bản cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động tới:

Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động có người bị nạn đặt trụ sở chính (01 bộ);

Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn lao động (01 bộ);

Người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân người bị nạn (01 bộ);

Tổ chức Công đoàn (01 bộ);

Người sử dụng lao động 02 bộ (01 bộ gửi Hội đồng Giám định Y khoa-pháp y sau khi NLĐ ra viện để giám định tỷ lệ thương tật, và 01 bộ lưu)

5. Cung cấp ngay tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn theo yêu cầu của Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tài liệu, đồ vật, phương tiện đó.

6. Tạo điều kiện cho người lao động liên quan đến vụ tai nạn cung cấp thông tin cho Đoàn Điều tra tai nạn lao động khi được yêu cầu.

7. Thông báo đầy đủ thông tin liên quan về tai nạn lao động tới tất cả người lao động thuộc cơ sở của mình.

8. Hoàn chỉnh hồ sơ và lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động cho người lao động:

- Thời gian lưu trữ hồ sơ:

+ 15 năm đối với vụ tai nạn lao động chết người;

+ Đến khi người bị tai nạn lao động nghỉ hưu đối với vụ tai nạn lao động khác.

- Hồ sơ gồm (Điều 16 Nghị định 39/2016/NĐ-CP):

+ Biên bản khám nghiệm hiện trường (nếu có);

+ Sơ đồ hiện trường;

+ Ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân;

+ Biên bản khám nghiệm tử thi hoặc khám nghiệm thương tích, trừ trường hợp mất tích theo tuyên bố của Tòa án;

+ Biên bản giám định kỹ thuật, giám định pháp y, kết luận giám định tư pháp (nếu có);

+ Biên bản lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động;

+ Biên bản Điều tra tai nạn lao động;

+ Biên bản cuộc họp công bố biên bản Điều tra tai nạn lao động;

+ Giấy chứng thương của cơ sở y tế được Điều trị (nếu có);

+ Giấy ra viện của cơ sở y tế được Điều trị (nếu có).

Lưu ý: * Trong một vụ tai nạn lao động, nếu có nhiều người bị tai nạn lao động thì mỗi người bị tai nạn lao động được lập một bộ hồ sơ riêng.

* Trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì có thêm hồ sơ:

Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông (bản sao); Biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội (bản sao).

Nếu không có hồ sơ vụ tai nạn giao thông của cơ quan Công an thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan Công an xã, phường, thị trấn hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của người sử dụng lao động hoặc thân nhân của người lao động.

9. Thanh toán các khoản chi phí phục vụ cho việc Điều tra tai nạn lao động (trừ trường hợp tai nạn lao động được Điều tra lại theo yêu cầu của cơ quan Bảo hiểm xã hội) và chi phí Điều tra lại tai nạn lao động theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 27 Nghị định 39/2016/NĐ-CP gồm:

Dựng lại hiện trường; Chụp, in, phóng ảnh hiện trường và nạn nhân; Trưng cầu giám định kỹ thuật, giám định pháp y (khi cần thiết); Khám nghiệm tử thi; In ấn các tài liệu liên quan đến vụ tai nạn lao động; Phương tiện đi lại tại nơi xảy ra tai nạn lao động phục vụ quá trình Điều tra tai nạn lao động; Tổ chức cuộc họp công bố biên bản Điều tra tai nạn lao động; 

10. Thực hiện chi trả bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động được quy định tại Điều 38, 39 Luật ATVSLĐ 2015, Điều 28 Nghị định 39/2016/NĐ-CP.

11. Hướng dẫn, giới thiệu người lao động giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa và lập hồ sơ gửi Bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động bị tai nạn.

- Người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đến Hội đồng giám định y khoa của tỉnh để giám định sức khỏe (mẫu hồ sơ khám sức khỏe theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế), kèm theo hồ sơ: (Biên bản điều tra tai nạn lao động, Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động, Bệnh án, giấy chứng nhận tổn thương, CMTND photo của người lao động).

- Sau khi có kết quả giám định thương tật, người sử dụng lao động lập hồ sơ gửi Bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ. Hồ sơ gồm:

Sổ bảo hiểm xã hội.

Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của người sử dụng lao động (mẫu 05A-HSB).

Giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao) sau khi đã điều trị thương tật TNLĐ ổn định đối với trường hợp điều trị nội trú.

Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.

Biên bản điều tra tai nạn lao động. Trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì có thêm hồ sơ vụ tai nạn giao thông, cụ thể các giấy tờ sau: Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông (bản sao). Biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội (bản sao).

Nếu không có hồ sơ vụ tai nạn giao thông của cơ quan Công an thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan Công an xã, phường, thị trấn hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của người sử dụng lao động hoặc thân nhân của người lao động.

12. Thực hiện các biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả do tai nạn lao động gây ra; tổ chức rút kinh nghiệm; thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị ghi trong biên bản Điều tra tai nạn lao động; xử lý theo thẩm quyền những người có lỗi để xảy ra tai nạn lao động.

13. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe người lao động bị tai nạn lao động theo kết luận của Hộ đồng giám định y khoa, sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc./.

 

                                            Vũ Trần Thanh- Phó Trưởng ban CSPL&QHLĐ-LĐLĐ tỉnh

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa