Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Trong những năm qua, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Công Thanh Hóa luôn được các cấp Công đoàn quan tâm, trú trọng. Hiện nay, tổng số cán bộ Công đoàn chuyên trách trong hệ thống công đoàn tỉnh là 195 người; cán bộ Công đoàn bán chuyên trách ở các đơn vị Công đoàn cơ sở 30.935 người, với số lượng đoàn viên lớn (287.797 đoàn viên), sinh hoạt tại 3.600 Công đoàn cơ sở trực thuộc 27 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố và 8 Công đoàn ngành tương đương.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa phát biểu chỉ đạo về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, tại buổi làm việc với Đảng đoàn, BTV Liên đoàn Lao động tỉnh
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp từ cơ sở đến tỉnh được xây dựng cơ bản, đảm bảo về số lượng, cơ cấu, trình độ, năng lực, phẩm chất, kỹ năng, phương pháp công tác. Cán bộ Công đoàn luôn có lập trường tư tưởng bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng , thực hiện đúng các chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của tổ chức Công đoàn, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, gắn bó với tổ chức Công đoàn, với đoàn viên và người lao động .
Công tác cán bộ luôn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đúng nguyên tắc, quy định, ngày càng chặt chẽ, công khai minh bạch và đi vào nề nếp, việc đánh giá cán bộ bước đầu đã được thực hiện, các khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng , thực hiện chính sách cán bộ Công đoàn ngày càng được hoàn thiện; công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm, kỷ cương, kỷ luật được tăng cường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp trong tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập như, số lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, việc phân bổ số lượng cán bộ trong hệ thống Công đoàn còn chưa hợp lý, nhiều nơi thiếu cán bộ. Năng lực đội ngũ cán bộ Công đoàn chưa đồng đều, nhất là kinh nghiệm thực tiễn, tính chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế đặc biệt là cán bộ Công đoàn cơ sở, cán bộ ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa theo kịp yêu cầu tình hình mới hiện nay; tư tưởng hành chính hóa hoạt động Công đoàn còn có trong tư duy của không ít cán bộ Công đoàn .
Cán bộ Công đoàn cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên biến động, đặc biệt là đối với cán bộ Công đoàn chuyên trách giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở một số Công đoàn ngành, LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên thay đổi do sự bố trí, điều động của cấp ủy, chính quyền, chuyên môn đồng cấp; không chủ động được nguồn cán bộ chủ chốt nên ảnh hưởng lớn tới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ.
Việc giảm biên chế cán bộ Công đoàn chuyên trách so với năm 2015 đến nay đã giảm quá sâu (tại thời điểm năm 2015 là năm triển khai thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW đang từ 256 người, đến nay giảm xuống còn 195 người, giảm 61 người, vượt 24%) trong khi đó không được tuyển dụng và bổ sung thêm cán bộ, nên đã gây nhiều khó khăn cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ Công đoàn trong tỉnh, nhất là đội ngũ Công đoàn chuyên trách cấp trên trực tiếp cơ sở. Nhiều đơn vị một vị trí việc làm nhưng phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, trong khi đó công việc ngày càng nhiều, đòi hỏi chuyên môn cao, quan hệ lao động ngày càng phức tạp, số lượng đoàn viên, công nhân lao động trong các doanh nghiệp FDI ngày một tăng, rất khó khăn cho việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị và hoạt động của tổ chức Công đoàn.
Việc đánh giá cán bộ Công đoàn hàng năm vẫn còn hình thức, chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Công tác quy hoạch cán bộ chưa đảm bảo, còn bị động, chưa gắn với đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ, chưa đồng bộ, chưa liên thông giữa các cấp Công đoàn, gây lãng phí nguồn lực. Công tác luân chuyển cán bộ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Cơ chế chính sách về tiền lương cán bộ Công đoàn chuyên trách; phụ cấp, thu nhập, điều kiện làm việc đối với cán bộ kiêm nhiệm chưa phù hợp, chưa thực sự tạo động lực để cán bộ Công đoàn yên tâm công tác. Tổ chức bộ máy CĐCS còn bất cập, chồng chéo; Sự phối hợp thực hiện các khâu trong công tác cán bộ giữa tổ chức Công đoàn và cấp ủy, chính quyền đồng cấp chưa chặt chẽ.
Thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ, các cấp Công đoàn Thanh Hóa tiếp tục phát huy tính chủ động, quyền, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc tham mưu cấp ủy lãnh đạo đơn vị xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Xác định, công tác cán bộ là khâu then chốt, quyết định đến sự thắng lợi của phòng trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn, xây dựng đội ngũ cán bộ phải chú ý đến tính đồng bộ, toàn diện, đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn. Do vậy, trong thời gian tới Công đoàn Thanh Hóa tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng; có tư tưởng vững vàng, chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu, tâm huyết, trách nhiệm; có năng lực uy tín ngang tầm nhiệm vụ; có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết người lao động; có chất lượng và cơ cấu phù hợp vị trí công tác, đảm bảo kế thừ phát triển vững chắc giữa các thế hệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Thanh Hóa trong tình hình mới.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn Thanh Hóa vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, chúng ta cần thực hiện tốt những giải pháp cơ bản sau đây:
1. Đổi mới và nâng cao nhận thức về tổ chức và Công tác cán bộ: các cấp Công đoàn tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thong, tuyên truyền đê các cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động, đoàn viên, NLĐ đặc biệt là đội ngũ nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tổ chức và cán bộ Công đoàn trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; những khó khăn thách thức đặt ra đối với tổ chức CĐ và đội ngũ cán bộ CĐ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
2. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất các quy chế quy định về công tác cán bộ:
Nghiên cứu, đề xuất với Tổng Liên đoàn phối hợp với Tỉnh ủy sửa đổi bổ sung ban hành các qui định, quy chế về công tác cán bộ Công đoàn phù hợp với vị trí vai trò, chức năng nhiệm vụ của Tổ chức CĐ trong tình hình mới; đảm bảo tính đặc thù, đủ về số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn theo vị trí việc làm, như quy định về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ Công đoàn; qui định về cơ chế thu hút tuyển dụng cán bộ Công đoàn trưởng thành từ cơ sở, xuất thân từ phong trào công nhân; quy định tiêu chuẩn chức danh đối với từng đối tượng cán bộ Công đoàn.
3. Đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ. Công tác đánh giá cán bộ Công đoàn phải thực hiện một cách khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, theo tiêu chuẩn, có nội dung và phương pháp đúng đắn.
Chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài đáp ứng yêu cầu bố trí cán bộ: Các cấp CĐ chủ động đề xuất với cấp ủy Đảng chuẩn bị nguồn cán bộ cho tổ chức CĐ, trước mắt chuẩn bị nguồn cán bộ cho Đại hội Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Đại hội Công đoàn Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028.
4. Công tác quy hoạch cán bộ phải có chiến lược khoa học, chi tiết cụ thể. Công đoàn các cấp cần nhận thức rõ tính đặc thù của CBCĐ là cán bộ của quần chúng, hoạt động vì lợi ích của CNVCLĐ và do đoàn viên bầu lên. Công tác quy hoạch cán bộ phải được chú trọng thực hiện thường xuyên và đồng bộ ở tất cả các cấp Công đoàn trên các mặt: tạo nguồn cán bộ; tuyển chọn cán bộ (cần dựa vào tiêu chuẩn CBCĐ từng cấp, từng chức danh) và xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch cán bộ.
5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Công tác đào tạo phải đổi mới, cải tiến nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng tập trung đi sâu vào kỹ năng hoạt động Công đoàn. Đa dạng hóa hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học viên, gắn đào tạo về lý thuyết với thực hành và kỹ năng xử lý những tình huống phát sinh trong thực tiễn, soạn thảo tài liệu ngắn gọn, dễ hiều làm cẩm nang hoạt động cho cán bộ Công đoàn; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh.
6. Thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công tác luân chuyển, điều động cán bộ Công đoàn; Xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ có kinh nghiệm thực tiễn. Thực hiện nguyên tắc luân chuyển, bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử là người trong quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo qui định kết hợp chặt chẽ với công tác đánh giá, quy hoạch và đào tạo cán bộ; kiên quyết không xem xét đề bạt, bổ nhiệm đối với những trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
7. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát trong công tác cán bộ
Tăng cường công tác quản lý cán bộ, nhất là cán bộ CĐCS, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ; trong quá trình kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng cán bộ cần đảm bảo khách quan, công tâm, làm rõ những ưu điểm, nhược điểm, tồn tại hạn chế; đúc rút kinh nghiệm, kịp thời kiến nghị thay đổi, điều chỉnh bổ sung để hoàn thiện các khâu trong công tác cán bộ Công đoàn./.
Lê Chung Văn - Ủy viên BTV, Trưởng ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh