Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 10

    Hôm nay: 1967

    Đã truy cập: 2324499

Nâng cao chất lượng hoạt động Ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa hiện có 356.813 công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ), trong đó nữ là 218.459 người (chiếm 61%); đoàn viên Công đoàn là 299.133 người, đoàn viên nữ là 232.119 người (chiếm 77,5% tổng số đoàn viên). Hiện toàn tỉnh có 682 Công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong đó có 443 đơn vị có từ 10 nữ đoàn viên trở lên. Có 01 Ban nữ công nghiệp vụ (nay là Ban Tuyên giáo - Nữ công), 24 Ban nữ công quần chúng cấp trên trực tiếp cơ sở và 2.426 Ban nữ công quần chúng Công đoàn cơ sở. Trong đó có 1.964 Ban nữ công quần chúng Công đoàn cơ sở (CĐCS) khu vực hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, có 462 Ban nữ công quần chúng khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, Ban nữ công quần chúng tại khu vực doanh nghiệp từng bước được thành lập, theo tinh thần Nghị quyết số 12b/NQ-TLĐ ngày 12/7/2017 của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc củng cố, kiện toàn Ban nữ công quần chúng cấp cơ sở.

Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn tổ chức buổi ra mắt Câu lạc bộ nữ CNVCLĐ và tọa đàm kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3

Đội ngũ cán bộ nữ công luôn nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết, đã phát huy vai trò trong việc tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn tham gia thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ, giúp cho lao động nữ thực hiện được quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Các cấp Công đoàn tích cực phối hợp với các ngành liên quan để tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong nữ công nhân lao động (CNLĐ); giúp nữ CNLĐ hiểu biết, tự giác thay đổi quan niệm về vai trò của mình trong gia đình, xã hội. Từ đó, CNLĐ tự học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ vừa tự bảo vệ, vừa khẳng định được bản thân; tích cực tham gia các hoạt động do doanh nghiệp, Công đoàn tổ chức. Các mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản được triển khai, các phòng vắt trữ sữa được hình thành tại một số nơi đông lao động nữ (đến nay có 12 phòng vắt trữ sữa đã được xây dựng).

Các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được phát động trong nữ CNLĐ. Kết quả hàng năm trên 80% lao động nữ ở từng doanh nghiệp được công nhận “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Đặc biệt, có nhiều chị được Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh tặng bằng khen.

Công đoàn Công ty TNHH giầy Aleron Việt Nam tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ nữ công nhân, lao động

Ban Nữ công quần chúng trong doanh nghiệp đã tham mưu cho Ban chấp hành Công đoàn tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Dân số Thế giới (11/7), Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10); Ngày Dân số Việt Nam (26/12), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em gái (25/11), Tháng hành động Vì trẻ em (tháng 6), Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới (15/11-15/12), Tháng hành động quốc gia về dân số (tháng 12)…Qua báo cáo của Công đoàn cơ sở đã có trên 95% nữ CNVCLĐ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tham gia sinh hoạt, hoạt động và có 90% đơn vị tổ chức các hoạt động với nhiều hình thức sinh hoạt sáng tạo, hấp dẫn, tổ chức nói chuyện chuyên đề, hái hoa dân chủ, thi nữ công gia chánh, trao đổi kinh nghiệm về giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con...

 Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nữ CNLĐ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; quan tâm tuyên truyền về bình đẳng giới, dân số, gia đình, trẻ em; triển khai Mô hình "Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và phương tiện tránh thai cho Công nhân tại các khu công nghiệp",  tổ chức các phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", tổ chức biểu dương gia đình CNLĐ tiêu biểu, biểu dương khen thưởng con CNLĐ vượt khó học giỏi, tổ chức tham quan du lịch cho nữ CNLĐ và con CNLĐ, tổ chức thi trình diễn áo dài, thi tìm kiếm tài năng, thi nữ công gia chánh, tổ chức các giải thể thao, liên hoan văn nghệ.

Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng truyền thông, tư vấn và chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho nữ công nhân lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức truyền thông, tư vấn và thăm khám chuyên khoa cho 7.864 lao động nữ nhằm nâng cao nhận thức về giới, kiến thức về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động; bố trí cho cán bộ nữ công được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo do Công đoàn tổ chức. Tính đến tháng 4 năm 2022, các cấp Công đoàn tổ chức được 67 lớp tập huấn cho 25.347 cán bộ chủ chốt Công đoàn và trưởng ban nữ công Công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; tham gia với chuyên môn, cấp ủy trong công tác quy hoạch cán bộ, phát hiện, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ cũng từng bước được thực hiện. Việc thông tin, báo cáo tình hình tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ đã được quan tâm, giúp cho người sử dụng lao động kịp thời điều chỉnh, giải quyết xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa hơn.

Tuy nhiên, việc thành lập, kiện toàn và chất lượng hoạt động của Ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: còn Ban Chấp hành Công đoàn chưa tích cực chỉ đạo việc thành lập Ban nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; chưa quan tâm đến hoạt động Ban nữ công. Việc kiện toàn Ban nữ công khi có thay đổi nhân sự ở nhiều nơi còn chậm, Hoạt động nữ công ở các CĐCS đông lao động nữ vẫn còn được nhận thức chính là hoạt động Công đoàn, vì vậy chưa có sự quan tâm đúng mức về giới trong công tác tham mưu hoạt động nữ…

 Nguyên nhân là do một số Ban Chấp hành Công đoàn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ban nữ công quần chúng và chưa thực sự làm tốt vai trò chỉ đạo trực tiếp đối với Ban nữ công quần chúng; Nhận thức, trình độ của cán bộ nữ công cũng như nữ CNLĐ còn nhiều hạn chế nhất là về pháp luật lao động; Cán bộ Công đoàn nói chung và nữ công nói riêng còn phụ thuộc nhiều vào chủ sử dụng lao động nên chưa đứng trên lập trường của người lao động để có tiếng nói bảo vệ quyền lợi ích chính đáng cho người lao động. Vì thế chưa tạo được niềm tin để người lao động thể hiện tâm tư, nguyện vọng; Ban nữ công quần chúng trong doanh nghiệp có nhiều biến động nên ảnh hưởng đến cơ cấu, tổ chức và trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động nữ công; Cán bộ nữ công trong các CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thường xuyên có sự thay đổi do họ luân chuyển doanh nghiệp.

Để hoạt động Ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát huy hiệu quả, hoạt động phù hợp với đặc điểm tình hình và nguyện vọng của nữ CNLĐ, các cấp Công đoàn trong tỉnh cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Tiếp tục tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tuyên truyền Nghị quyết đại hội Đảng các cấp; Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 12b/NQ-BCH ngày 12/7/2017 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XI) về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; tuyên truyền Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, vận động nữ CNVCLĐ trên các trang mạng xã hội; lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện sống và làm việc của các đối tượng nữ CNLĐ trong các doanh nghiệp.

Hai là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Ban Chấp hành Công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo hoạt động của Ban nữ công quần chúng. Khi giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của nữ CNLĐ phải mời đại diện của Ban nữ công tham gia. Đưa chương trình công tác nữ công vào Nghị quyết đại hội và chương trình công tác hàng năm. Bố trí kinh phí và huy động thêm từ doanh nghiệp, các nguồn hỗ trợ khác cho hoạt động nữ công.

Ba là, thành lập, kiện toàn kịp thời Ban nữ công quần chúng. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tiến hành rà soát, thống kê, đánh giá tình hình tổ chức, hoạt động của Ban nữ công quần chúng ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước để tiến hành thành lập, củng cố, kiện toàn và chỉ đạo hoạt động.

Bốn là, quan tâm củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ nữ công về số lượng, chất lượng, tăng cường việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác nữ cho cán bộ nữ công. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ công cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ công cơ sở vừa có tâm, vừa có trách nhiệm, năng lực, bản lĩnh trí tuệ, là chỗ dựa tin cậy của lao động nữ, là cầu nối giữa doanh nghiệp với công nhân; dám nói lên tiếng nói của công nhân, có đủ kiến thức để thương lượng với chủ doanh nghiệp những kiến nghị chính đáng của người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.

Năm là, nâng cao trách nhiệm tham mưu, tổ chức hoạt động của Ban nữ công quần chúng ở các doanh nghiệp. Ban Chấp hành CĐCS doanh nghiệp cần quán triệt sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện đối với hoạt động của Ban nữ công. Phát huy vai trò của Ban nữ công và khuyến khích ý tưởng của đoàn viên trong việc đề xuất nội dung có lợi hơn cho lao động nữ, tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với lao động nữ. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để tham mưu giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, nhu cầu của lao động nữ.

Đỗ Thúy Hà - Ban Tuyên giáo - Nữ công

 

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa