Đoàn viên công đoàn xã Nam Xuân tích cực tham gia giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống tại địa phương
Nam Xuân là một xã của huyện vùng cao Quan Hóa, toàn xã có 556 hộ, 2.569 nhân khẩu,với 3 dân tộc cùng chung sống là dân tộc Thái, dân tộc Mường và dân tộc Kinh.Trong đó, dân tộc Thái chiếm 70% dân số trong toàn xã. Vì thế cộng đồng người Thái có những giá trị văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc, thông qua các hoạt động của đời sống hàng ngày như tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, nhà ở, trang phục, văn hóa dân gian,văn hóa văn nghệ, ẩm thực…
Xã hình thành 5 đơn vị Bản, trong đó có 1 bản Nông thôn mới, các bản còn lại đều đã được công nhận là Bản văn hóa các cấp.
Đoàn viên CĐ trình diễn Khua Luống truyền thống của Dân tộc Thái
Hằng năm,vào các dịp lễ tết, xã thường tổ chức các chương trình biểu diễn các trò chơi,trò diễn dân gian của dân tộc như: Tó lẹ, ném còn, đi cà kheo…, tổ chức các chương trình văn nghệ nhằm bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa văn nghệ của các dân tộc trong xã, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của điạ phương.
Hiện nay xã đang triển khai xây dựng bản Bút làm bản du lịch cộng đồng, với mục đích là nhằm giữ gìn cảnh quan, môi trường tự nhiên; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng, vì thế xã luôn chủ động chỉ đạo bà con nhân dân giữ gìn nghề truyền thống như nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát tre, nứa. Trong đó, phát huy được vai trò của đoàn viên công đoàn trong việc tham gia thực hiện các hoạt động này tại địa phương, điển hình như đoàn viên Hà Văn Nhược, Hà Thị Ngơi, Hà Văn Ngời, Cao Văn Vọng, Hà Thị Bích. Với lợi thế là có 2 hộ gia đình đang trực tiếp kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng là gia đình chi Ngơi và gia đình anh Ngời (Hiện là đoàn viên công đoàn xã), đã rất tích cực, chủ động, sáng tạo, đầu tư cơ sở vật chất, tạo cảnh quan đẹp, thu hút khách du lịch ngày càng đông. Trong đó, vai trò của các đoàn viên công đoàn là những người trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các công việc cụ thể như: Khôi phục và phát triển nghề truyền thống như: Đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần men lá; hỗ trợ đội văn nghệ liên thế hệ tập luyện những bài múa hát đặc sắc của người Thái để biểu diễn phục vụ khách du lịch, đồng thời góp phần giữ gìn bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Nữ đoàn viên CĐ hướng dẫn rệt thổ cẩm truyền thống
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái ở bản Bút, xã Nam Xuân đã được công nhận là Nghề truyền thống tại quyết định số 5261/QĐ-UBND, ngày 21/12/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Các sản phầm từ thổ cẩm như: Vỏ chăn, ga, gối, đệm nằm, đệm ngồi, túi đeo, cạp váy, chân váy, khăn piêu của người Thái hiện đang rất thông dụng trên thị trường, đặc biệt là với các homenstay đang kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng. Những thành viên tham gia dệt thổ cẩm và hoàn thiện các sản phẩm từ thổ cẩm có 5 chị em là đoàn viên công đoàn, với vai trò vừa là người hướng dẫn, vừa là người tham gia trực tiếp, các chị em đã góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ xã khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng thời vừa để phục vụ cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, khóa XIV,nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra./.
Phạm Thị Nhị - Chủ tịch Công đoàn xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa