Hội nghị trực tuyến một số vấn đề lớn đặt ra trong lĩnh vực Quan hệ Lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam hiện nay.
Thực hiện Công văn số 330/LĐLĐ ngày 25/5/2022 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa về việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức Hội nghị trực tuyến “Một số vấn đề lớn về quan hệ lao động (QHLĐ) và hoạt động Công đoàn trong thời gian tới”. Chiều ngày 30/5/2022 Ban Thường vụ Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị quán triệt, học tập, triển khai đến toàn thể cán bộ công đoàn chủ chốt thông qua hình thức trực tuyến các nội dung trên.
Đ.c Ngô Thế Anh - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp phát biểu tại Hội nghị
Tại điểm cầu Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, đồng chí Ngô Thế Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp chủ trì. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, các đồng chí Báo cáo viên, Các đơn vị Công đoàn cơ sở trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các Chủ tịch công đoàn cơ sở lớn có đông công nhân lao động.
Các đơn vị của Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp nghiêm túc tham gia Hội nghị trực tuyến.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chia sẻ những vấn đề lớn đặt ra trong lĩnh vực QHLĐ và tổ chức Công đoàn Việt Nam hiện nay. Theo đó, có 5 vấn đề lớn đặt ra trong lĩnh vực QHLĐ: Thứ nhất, nhận thức của các chủ thể trong QHLĐ còn nhiều hạn chế. Thứ hai, do áp lực về việc làm, hạn chế về nhận thức và năng lực tự bảo vệ của phần lớn NLĐ nên trong QHLĐ, NLĐ luôn ở vị thế yếu thế, bất bình đẳng. Thứ ba, công đoàn cơ sở - tổ chức đại diện cho NLĐ tại không ít doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả, tiếng nói thiếu mạnh mẽ. Thứ tư, quy định của pháp luật trong lĩnh vực QHLĐ chưa hoàn thiện, trong khi tình trạng vi phạm pháp luật của NSDLĐ xảy ra nhiều. Thứ năm, tranh chấp lao động tập thể và đình công diễn biến có xu hướng phức tạp hơn.
Thách thức đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam: Thứ nhất, việc chuyển tư duy và địa bàn hoạt động CĐ; chất lượng và số lượng cán bộ công đoàn. Thứ hai, tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp được phép ra đời và các nhân tố tác động đến Công đoàn Việt Nam (diễn biến hòa bình, tình hình thế giới, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới). Thứ ba, trình độ, kỹ năng của đoàn viên, NLĐ còn hạn chế; sự phong phú, tính biến động của thị trường lao động; tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thứ tư, việc ban hành và triển khai nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định mới của Đảng, Nhà nước. Thứ năm, nhu cầu, đòi hỏi của ĐV, NLĐ ngày càng cao; vai trò của doanh nghiệp trong xã hội ngày càng lớn.
Với những thách thức đó việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn là hết sức cần thiết. Cụ thể, đó là: Mọi hoạt động của công đoàn phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của NLĐ và hướng tới mục tiêu đại diện, chăm lo, bảo vệ NLĐ; Thường xuyên quan tâm, chăm lo lợi ích và giải quyết các vấn đề bức xúc của NLĐ; Tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả; Tìm tòi, triển khai các phương thức hoạt động công đoàn đảm bảo khoa học, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng; Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới phương pháp, tác phong công tác của cán bộ công đoàn.
Kết thúc Hội nghị, đồng chí Trịnh Thị Hoa – Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị các cấp công đoàn trong tỉnh cần nắm bắt, triển khai, thực hiện tốt các nội dung đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam truyền đạt. Để từ đó cụ thể hóa vào hoạt động của tổ chức công đoàn sao cho phù hợp, sát với thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện hiệu quả./.
Thiên An – Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp