Vận động CNVCLĐ xây dựng Gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Gia đình - hai tiếng thiêng liêng luôn ghi sâu vào tâm khảm của mỗi người con Việt Nam.
Từ xưa đến nay, trong đời sống xã hội, gia đình luôn giữ vị trí quan trọng, được gắn liền với đời sống của mỗi con người. Gia đình là một hình thức tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa - xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ phụng dưỡng và giáo dục…đồng thời có sự gắn kết về kinh tế, vật chất, qua đó có ý thức về thực hiện nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình. Chỉ thị số 49/CT-TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư TW Đảng đã khẳng định “Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Thấy rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền, chuyên môn cùng cấp, người sử dụng lao động; các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng gia đình CNVCLĐ theo tiêu chí “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Hàng năm, các cấp công đoàn đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, tổ chức các hoạt động về công tác giới và bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan,...Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và vận động cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến gia đình. Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền giáo dục kiến thức về giới, bình đẳng giới, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kiến thức nuôi dạy con…Các cấp Công đoàn lồng ghép nội dung công tác xây dựng gia đình trong các hội thi, sinh hoạt Câu lạc bộ như “Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình”, “Mâm cỗ truyền thống gia đình người Việt”,.. phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, 6 tháng đầu năm 2022 có trên 93% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu GVN, ĐVN; trên 85% gia đình CNVCLĐ đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa” được các cấp, các ngành công nhận.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn cũng đã duy trì, phát huy hiệu quả các loại quỹ như: quỹ trợ giúp nữ CNLĐ nghèo của LĐLĐ tỉnh với nguồn quỹ 50 triệu đồng, cho CNLĐ vay để chăn nuôi và làm kinh tế gia đình, hàng tháng có thu nhập thêm từ 700.000đ - 1.000.000đ/hộ; quỹ hỗ trợ đoàn viên, CNVCLĐ Công đoàn Thanh Hóa…Thực hiện chương trình “Mái ấm Công đoàn”, 6 tháng đầu năm LĐLĐ tỉnh đã xét hỗ trợ, sửa chữa và làm mới 52 nhà cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền 2,002 tỷ đồng. Duy trì hiệu quả 1,270 tỷ đồng thuộc nguồn vốn quỹ Quốc gia về việc làm, nâng cao thu nhập cho đoàn viên, người lao động.
Tổng số tiền thăm, tặng quà và hỗ trợ quà Tết, hỗ trợ Covid-19, hỗ trợ ốm đau, hỗ trợ nhà, sửa nhà “Mái ấm Công đoàn”, tặng quà “Tháng công nhân” cho 282.209 đoàn viên, người lao động với số tiền trị giá 204,574 tỷ đồng (trong đó Liên đoàn Lao động tỉnh trên 38,661 tỷ đồng, Công đoàn cấp trên cơ sở và Công đoàn cơ sở 63,872 tỷ đồng, vận động các doanh nghiệp hỗ trợ 102,039 tỷ đồng).... những nguồn quỹ này đã giúp đỡ các gia đình CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách có thêm nguồn kinh phí trang trải, từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, công tác xây dựng gia đình hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh. Tình hình đời sống, việc làm của công nhân lao động ở một số đơn vị, doanh nghiệp chưa ổn định. Các điều kiện về nhà ở, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, khu vui chơi giải trí… dành cho công nhân lao động và con em họ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn. Nhiều người lao động chưa được trang bị kiến thức tốt về tình yêu, tình dục, xây dựng gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con… Do đó, tình trạng gia đình công nhân lao động ly hôn, ly thân, bạo lực gia đình vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp; các tệ nạn xã hội như: ma tuý, cờ bạc, tín dụng đen,...đã và đang có nguy cơ xâm nhập vào các gia đình Từ thực tế công tác xây dựng gia đình trong CNVCLĐ thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như: Công tác xây dựng gia đình trong CNVCLĐ cần có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành chức năng và người sử dụng lao động; Các cấp công đoàn cần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho CNVCLĐ về vai trò, ý nghĩa to lớn của gia đình trong đời sống xã hội; ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về vấn đề hôn nhân, gia đình; về giới, bình đẳng giới, về dân số, KHHGĐ; các kiến thức về xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; kiến thức chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con... ; Mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần có những hoạt động thiết thực quan tâm đến công tác xây dựng gia đình nhân các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6),... Bên cạnh đó, làm tốt công tác xã hội từ thiện, duy trì, phát huy hiệu quả các nguồn quỹ hỗ trợ các gia đình CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất; quan tâm chăm lo đến các gia đình CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, con CNVCLĐ vượt khó vươn lên...Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với CNVCLĐ nhất là những chính sách đối với lao động nữ theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định; Tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động CNVCLĐ phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tích cực phấn đấu vươn lên, có nhận thức đúng đắn về vấn đề xây dựng gia đình theo tiêu chí hạnh phúc, bền vững, khắc phục những mặt trái của cơ chế thị trường. Động viên CNVCLĐ tích cực học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức xã hội và pháp luật để có đủ trình độ, điều kiện tiếp cận với công nghệ mới, có việc làm, tăng thu nhập, bảo đảm đời sống và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung và chất lượng cuộc sống mỗi gia đình nói riêng thích ứng với nền kinh tế thị trường; Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá việc thực hiện công tác xây dựng gia đình, kịp thời biểu dương, nhân rộng những điển hình gia đình tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Nguyễn Duyên - Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh