Bước đầu xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” của Công đoàn Ngành Giáo dục Thanh Hóa
Nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động hướng tới sự chuẩn mực trong ứng xử, không vi phạm các quy chế, quy định của ngành theo tinh thần Công văn số 2033/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 13/5/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch số 103/KH-CĐN ngày 02/4/2019 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam về việc triển khai nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong thời gian qua, Công đoàn ngành Giáo dục đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND, ngày 05/11/2021 về triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025, theo đó:
Các cấp Công đoàn toàn ngành đã chủ động phối hợp với chuyên môn tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ bản đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu đảm bảo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đồng thời làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành; Chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện những vi phạm để có giải pháp chấn chỉnh, nhất là hiện tượng xâm hại danh dự nhân phẩm đối với nhà giáo, người lao động. Tham gia giám sát chế độ chính sách đối với nhà giáo, người lao động; quan tâm chăm lo tới đội ngũ nhà giáo, người lao động thông qua việc nâng cao năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, đẩy mạnh những hoạt động mang tính chất ngành nghề. Bảo vệ cho thầy cô giáo được tham gia đổi mới, khơi dậy tâm huyết, nhiệt tình, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo giúp đỡ lẫn nhau để cùng vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Hình ảnh Công đoàn ngành phối hợp với Sở phát động phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc“
Đặc biệt nhằm lan tỏa những giá trị cốt lõi trong việc xây dựng “Trường học hạnh phúc”, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn ngành đã ban hành Kế hoạch Liên tịch số 242/KHLT-SGDĐT-CĐN, ngày 09/02/2022 về việc “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động giai đoạn 2021-2025” gắn với việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” trong toàn ngành, trong đó lấy tiêu chí trường học không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo làm tiêu chí chính để đánh giá.
Công đoàn ngành Giáo dục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát động phong trào thi đua xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” giai đoạn, 2021-2025; tập huấn chuyên đề “Thầy, cô thay đổi hướng tới trường học hạnh phúc” bằng hình thức trực tuyến tại 56 điểm cầu, trong đó: Điểm cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, 27 điểm cầu Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố và 27 điểm cầu các đơn vị trực thuộc. Tham dự Hội nghị tại các điểm cầu có gần 2.000 đại biểu, gồm: Đại diện lãnh CĐGD Việt Nam, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Thanh Hoá; Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; Hiệu trưởng các trường và Chủ tịch CĐCS các đơn vị trực thuộc và đại diện giáo viên các bậc học trong toàn tỉnh.
Hình ảnh Công đoàn ngành Giáo dục tổ chức Hội thảo tại huyện Quan Hóa
Chỉ đạo 10 CĐCS trực thuộc xây dựng thí điểm mô hình “Trường học hạnh phúc” tại 03 vùng thi đua của ngành. Tổ chức thành công 03 Hội thảo xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” cấp ngành tại 03 cụm: Cụm 1 các Trường THPT, THCS&THPT huyện Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân tổ chức tại Trường THCS&THPT Như Thanh; Cụm 2 các Trường THPT, THCS&THPT huyện Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát tổ chức tại Trường THPT Quan Hóa; Cụm 3 các Trường THPT huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, thị xã Bỉm Sơn tổ chức tại Trường THPT Thạch Thành 3. Qua Hội thảo, muốn truyền tải tới đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành thông điệp về mục đích ý nghĩa của trường học hạnh phúc, những thuận lợi, khó khăn đối với cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh và toàn xã hội trong việc kiến tạo một môi trường giáo dục an toàn, yêu thương, chia sẻ.
Trên cơ sở Kế hoạch của ngành, các CĐCS đã chủ động phối hợp với chuyên môn có nhiều giải pháp tuyên truyền sâu rộng để CBNGNLĐ hiểu và thực hiện tốt các quy định về tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc; đưa các nội dung và tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc” vào sinh hoạt chuyên môn định kỳ. Nhiều đơn vị đã linh hoạt, sáng tạo tổ chức các hoạt động: ngoại khóa, hội thảo, tọa đàm, lan tỏa những giá trị cốt lõi trong việc xây dựng “Trường học hạnh hạnh phúc” đến mỗi nhà giáo, người lao động, học sinh và xã hội, tiêu biểu như: Công đoàn các trường THPT huyện Đông Sơn tổ chức hội thảo với chủ đề “Vai trò của nữ nhà giáo trong việc xây dựng trường học hạnh phúc”; Công đoàn Trường THPT Hậu Lộc 4 tổ chức Hội thảo xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”; Công đoàn Trường THPT Nga Sơn tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thầy cô thay đổi, học sinh thay đổi vì trường học hạnh phúc”…
Hình ảnh tổ chức Hội thảo tại Trường THPT Hậu Lộc 4
Hình ảnh tổ chức Hội thảo tại Trường THPT Nga Sơn
Qua một năm triển khai trong ngành, phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc” đã được các nhà trường trong ngành tích cực đón nhận và triển khai có hiệu quả; các trường học đã và đang từng bước xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, an toàn và bầu không khí thân thiện, vui vẻ trong cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh, đáp ứng tiêu chí yêu thương, an toàn, tôn trọng trong trường học. Bước đầu đã có sự thay đổi, sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động về đạo đức, năng lực ứng xử sư phạm của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động hướng tới sự chuẩn mực trong ứng xử, thực hiện đạo đức nhà giáo, không vi phạm các quy định, quy chế của Ngành, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Với những kết quả đó, Công đoàn ngành Giáo dục đã được CĐGD Việt Nam đánh giá là một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” và đã được lựa chọn đặt điểm cầu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo; hiệu trưởng gieo mầm hạnh phúc” để nhân rộng cách làm mới hiệu quả và sáng tạo trong cả nước.
Hội nghị sơ kết 03 thực hiện Chương trình “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo; hiệu trưởng gieo mầm hạnh phúc” tại điểm cầu Thanh Hóa
Bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn có đơn vị, trường học chưa hiểu rõ bản chất và giá trị của trường học hạnh phúc mang lại nên chưa có nhiều ủng hộ tích cực đối với mô hình này. Nhiều trường học còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sân chơi bãi tập, nhất là các đơn vị miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nên ảnh hưởng tới việc tổ chức các hoạt động dạy học theo hướng thực tế, trải nghiệm và đâu đó tình trạng bạo lực học đường vẫn còn đang diễn ra ở một vài nơi, trong các nhà trường và bên ngoài nhà trường.
Xác định xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” không phải một sớm một chiều mà cần phải có một quá trình triển khai, đánh giá, rút kinh nghiệm. Chúng ta không thể tuyên bố “năm học này xây dựng trường học hạnh phúc” mà phải trải qua lộ trình xây dựng tổ chức nhà trường, xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng các quy chế ứng xử, quy chế làm việc... trong nhà trường để làm cơ sở pháp lý cho giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia.
Với cách làm sáng tạo đó, trong thời gian tới Công đoàn ngành Giáo dục sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa trong công tác tuyên truyền để cán bộ, nhà giáo, người lao động hiểu rõ và thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo; tiếp tục tổ chức Hội thảo cấp Ngành tại các cụm với nhiều chuyên đề cụ thể, phù hợp với việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” theo từng năm, từng giai đoạn; triển khai, tổ chức có hiệu quả Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em”; tham mưu với chuyên môn đưa các tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc” thành các tiêu chí để đánh giá, xếp loại trong các nhà trường; có giải pháp chung tay vào cuộc tích cực hơn nữa từ chính quyền các địa phương cùng với nhà trường để giáo dục, giúp đỡ học sinh, có như vậy việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, một chủ trương lớn mới có thể đạt được thành công như kỳ vọng.
Trần Văn Bình - Chủ tịch CĐN Giáo dục