Phát huy vai truyền thống vẻ vang, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Thanh Hóa vững mạnh
Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn tỉnh Thanh Hóa luôn gắn liền với quá trình đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930), chỉ trong thời gian ngắn ngày 29/7/1930, tại làng Yên Trường (nay thuộc xã Thọ Lập-Thọ Xuân), Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập, từ đây giai cấp công nhân trong tỉnh có đội tiên phong của mình trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Trước những chuyển biến của phong trào cách mạng cả nước, phong trào công nhân Thanh Hóa cũng từng bước phát triển. Ở các đồn điền: Vạn Lại (huyện Ngọc Lặc), Yên Mỹ (huyện Nông Cống và huyện Như Xuân), Nhà máy diêm Hàm Rồng, Nhà máy đèn-nước (thành phố Thanh Hóa), Mỏ Crom mít Cổ Định (huyện Triệu Sơn) ... các đồng chí lãnh đạo thuộc tổ chức Công hội đỏ tổ chức cho công nhân đứng lên cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh chớp thời cơ, giành chính quyền, làm chủ đồn điền, nhà xưởng.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công,để tổ chức, lãnh đạo phong trào công nhân lao động và hoạt động công đoàn trong tỉnh, Ban chấp hành LĐLĐ Trung bộ và Ban Chấp hành Tỉnh uỷ Thanh Hoá quyết định cử ra Ban Chấp hành LĐLĐ Thanh Hoá lâm thời; đồng chí Trần Tiến Quân được cử làm Thư ký. Ngày 10/10/1946, tại Nhà máy điện - nước tỉnh lỵ Thanh Hoá, Ban Chấp hành lâm thời tổ chức triệu tập Hội nghị đại biểu các CĐCS trong tỉnh thống nhất về tổ chức và đề ra nhiệm vụ hoạt động trong giai đoạn cách mạng mới. Đây là sự kiện trọng đại đánh dấu bước trưởng thành của đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn tỉnh nhà.
76 năm, một chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, nhưng vô cùng vẻ vang của giai cấp công nhân và Công đoàn Thanh Hóa. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn Thanh Hóa đã phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng của mình, luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng và đã có những đóng góp to lớn vào quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tổ chức Công đoàn đã vận động cán bộ, CNVCLĐ tích cực tham gia bảo vệ chính quyền non trẻ, tham gia chống “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, thi đua lao động sản xuất, chiến đấu góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; tham gia xây dựng CNXH ở miền Bắc, tích cực đóng góp sức người, sức của để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Bước vào thời kỳ đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Công đoàn Thanh Hóa đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, lao động. Các hoạt động của tổ chức công đoàn tập trung hướng về cơ sở, vì người lao động; thường xuyên sâu sát, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người lao động; tham gia xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động; tham gia quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ chính sách cho người lao động, trong đó tập trung tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến việc làm, đời sống của người lao động. Nhiều hoạt động được các cấp Công đoàn tổ chức đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua Chương trình “Tết sum vầy”, “Tháng Công nhân”, Chương trình "Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn và người lao động”, Quỹ hỗ trợ đoàn viên, CNVCLĐ Công đoàn Thanh Hóa v.v… đã huy động sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, người sử dụng lao động quan tâm, chăm lo đối với đoàn viên, CNVCLĐ... Bên cạnh đó, các phong trào thi đua cũng được các cấp công đoàn tổ chức thực hiện như: Phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động chung sức, hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng”, giai đoạn 2021-203’; "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi", “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, gương mẫu"; Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”… đã thu hút và tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng trí tuệ của đông đảo CNVCLĐ, qua đó khẳng định vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, ổn định chính trị và tiến bộ xã hội. Các cấp Công đoàn đã giáo dục, bồi dưỡng hàng chục nghìn đoàn viên công đoàn ưu tú giới thiệu với Đảng để Đảng xem xét kết nạp; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tập hợp ý kiến của CNVCLĐ để tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền, chuyên môn giải quyết; tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là các chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến người lao động; vận động, tập hợp đông đảo CNVCLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam, luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới đất nước, của tỉnh. Phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh; vị thế của tổ chức công đoàn được nâng lên trong xã hội.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân điển hình có sáng kiến tiêu biểu trong triển khai thực hiện chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” giai đoạn I.
Những kết quả phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn đã đạt được trong thời gian qua là kết quả của sự đoàn kết nhất trí, ý chí quyết tâm vươn lên, tinh thần lao động cần cù, năng động, sáng tạo, sự phấn đấu liên tục của các cấp công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ trong tỉnh. Ghi nhận sự đóng góp của CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Thanh Hóa trong 76 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác cho LĐLĐ Thanh Hóa; đây là niềm vinh dự và tự hào to lớn, là nguồn cổ vũ, động viên đội ngũ cán bộ đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Thanh Hóa vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Với những thành tích đó, có thể khẳng định rằng: Phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn Thanh Hóa đã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, phấn đấu liên tục và từng bước trưởng thành về nhiều mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng bộ ngày càng vững mạnh.
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương đang đặt ra cho các cấp Công đoàn trong tỉnh những yêu cầu mới với trách nhiệm nặng nề. Chúng ta tin tưởng rằng, với sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp của chính quyền, MTTQ, ban, ngành, đoàn thể, sự chỉ đạo và quan tâm sâu sát của Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng với việc tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Thanh Hóa, truyền thống của quê hương Thanh Hóa anh hùng; cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ và Công đoàn Thanh Hóa nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, đoàn kết, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kết luận 610 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XVIII) về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Thanh Hóa trong tình hình mới; cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi khát vọng văn minh, thịnh vượng, “ phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
Nguyễn Thành Văn- Phó trưởng ban TG-NC LĐLĐ tỉnh