Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 17

    Hôm nay: 2739

    Đã truy cập: 2304865

Thực trạng và giải pháp hoạt động giám sát và phản biện xã hội của các cấp Công đoàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2020 - 2022

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc triển khai, thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội’’; Quyết định số 218- QĐ/TW, ngày 12/12/2013 về “Quy định việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” và Hướng dẫn số 726/HD-TLĐ, ngày 02/06/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Hướng dẫn Công đoàn thực hiện giám sát và phản biện xã hội.

Trong những năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội nhằm bảo về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ), góp phần phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong hoạt động tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

       Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai, học tập, quán triệt các Quyết định của Bộ Chính trị đến toàn thể cán bộ lãnh đạo chủ chốt Công đoàn các cấp, cán bộ công chức cơ quan LĐLĐ tỉnh;  Xây dựng Chương trình hành động số 07/CTr-LĐLĐ ngày 07/8/2014 về việc thực hiện Quyết định số số 217- QĐ/TW; Chương trình hành động số 08/CTr-LĐLĐ ngày 07/8/2014 về việc thực hiện Quyết định số 218- QĐ/TW của Bộ Chính trị và triển khai, thực hiện trong các cấp Công đoàn Thanh Hóa. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh chú trọng lồng ghép tuyên truyền, phổ biến Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị với tuyên truyền, phổ biến các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chế độ chính sách cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động, nhất là các chính sách, chế độ mới về Luật BHXH, Luật lao động… với các hình thức tuyên truyền phong phú đã chuyển tải kịp thời, đầy đủ khối lượng lớn thông tin cho đoàn viên CNVCLĐ, góp phần nâng cao nhận thức, tư tưởng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nội quy cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Hai tháng một lần LĐLĐ tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban với các doanh nghiệp FDI có đông công nhân lao động, tại Hội nghị này có mời đại diện lãnh đạo các cơ quan: BHXH tỉnh, Sở LĐ-TBXH, Công an tỉnh, BQL Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh, LĐLĐ một số các huyện, thị xã, thành phố, Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh; đại diện lãnh đạo và Chủ tịch Công đoàn các doanh nghiệp FDI tham gia. Nội dung Hội nghị nhằm nắm bắt những vướng mắc, khó khăn của NLĐ về việc giải quyết các chế độ chính sách, đặc biệt là các chế độ chính sách về BHXH, BHYT, BHTN, ATVSLĐ, bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp và của CNLĐ để có biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

       Theo báo cáo của Công đoàn các cấp, trong 03 năm (2020 - 2022) Công đoàn các cấp đã tổ chức giám sát được 731 cuộc về thực hiện Luật lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH; giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở sơ sở; thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động; công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ môi trường; việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68-NQ/CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tại BHXH tỉnh và một số cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện, trong đó LĐLĐ tỉnh chủ trì và phối với với các cơ quan: Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Lao động Thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh... giám sát 39 cuộc; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở giám sát 221 cuộc; CĐCS giám sát 471 cuộc.

       Tham gia góp ý, phản biện 454 văn bản (LĐLĐ tỉnh góp ý phản biện 39 văn bản; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở góp ý phản biện 221 văn bản và CĐCS góp ý phản biện 169 văn bản) đề nghị tham gia góp ý phản biện xã hội của các cơ quan, tổ chức gửi đến tổ chức Công đoàn, LĐLĐ tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức cho đoàn viên, CNVCLĐ tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế, các quy định, chế độ, chính sách có liên quan tới đoàn viên, CNVCLĐ. Đặc biệt là tham gia góp ý vào các dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh Lao động, Luật tố tụng hình sự, dân sự; Luật lao động, việc làm; Luật đất đai, Luật Bảo vệ Môi trường, các Chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền đồng cấp... Ngoài ra, năm 2021, LĐLĐ tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học góp ý xây dựng luật BHXH (sửa đổi); năm 2022, tổ chức Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012…

       Tuy nhiên, công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của các cấp Công đoàn tỉnh Thanh Hóa còn một số hạn chế, tồn tại sau:

       - Một số đơn vị vẫn còn lúng túng, hình thức, việc nắm bắt thông tin, tình hình ở cơ sở còn hạn chế. Chế độ báo cáo của một số đơn vị còn chậm, chưa kịp thời, dẫn đến kết quả giám sát và phản biện chưa cao, nội dung phản biện xã hội còn chung chung, thiếu giải pháp khắc phục hiệu quả. 

       - Công tác phối hợp giám sát của một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đôi lúc chưa chặt chẽ, bài bản và phản biện thiếu kịp thời. Việc góp ý với cấp ủy, chính quyền, cán bộ đảng viên còn nể nang, tự phê bình và phê bình chưa đạt yêu cầu.

       - Tình hình nợ đọng, vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp tính đến nay tuy có giảm về số đơn vị nhưng số tiền nợ có chiều hướng tăng, thời gian nợ kéo dài, các doanh nghiệp cam kết thanh toán nợ nhưng chưa thực hiện. Việc đăng ký tham gia BHXH cho người lao động ở nhiều doanh nghiệp chưa đầy đủ, một số doanh nghiệp việc chi trả chế độ ốm đau, thai sản cho công nhân chưa kịp thời. Còn nhiều doanh nghiệp không thực hiện quy định về nghĩa vụ đóng kinh phí Công đoàn; chưa thực hiện ký kết TƯLĐTT, việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động chưa phù hợp với trình độ tay nghề, năng suất lao động. Khi được các cấp Công đoàn giám sát nhắc nhở vẫn còn tình trạng chây ì, chậm khắc phục.

       - Việc đảm bảo môi trường làm việc, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ ở nhiều đơn vị còn sơ sài, thiếu thốn, mang tính hình thức, đối phó gây mất an toàn cho NLĐ.

        - Vẫn còn đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc trong việc tổ chức Hội nghị CBCC, VC theo tinh thần Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ; Hội nghị Đối thoại định kỳ, Hội nghị NLĐ theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ; Chất lượng chưa cao, có đơn vị tổ chức mang tính đối phó, hình thức. 

       - Phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền,  chủ yếu thực hiện trên hình thức góp ý kiến là chính. Tính chủ động của đoàn viên, CNVCLĐ trong việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa cao, đang còn mang tính bị động chủ yếu thực hiện việc góp ý khi được cấp ủy, chính quyền, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị yêu cầu.

       Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội chưa đồng bộ. Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ chính trị; cán bộ CĐCS làm công tác kiêm nhiệm, chủ yếu hoạt động ngoài giờ; thường xuyên có sự biến động, thay đổi vị trí công tác, phụ thuộc chuyên môn, người sử dụng lao động; khối lượng kiến thức được tập huấn lớn nhưng thiếu thời gian nghiên cứu, do đó còn hạn chế trong triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị; công tác chỉ đạo khắc phục sau giám sát chưa quyết liệt. Các chế tài pháp luật xử lý chưa đủ mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước chưa đạt được mong muốn, chưa đủ sức răn đe các hành vi vi phạm; vai trò chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện giám sát, phản biện của Công đoàn các cấp còn hạn chế, lựa chọn đối tượng, nội dung giám sát chưa cụ thể, phương pháp giám sát còn đơn điệu, có lúc, có việc chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thiếu kịp thời, thiếu nghiêm túc tiếp thu, xử lý và khắc phục tồn tại, hạn chế, vi phạm, khi nhận được những góp ý, đề nghị, kiến nghị; một bộ phận người sử dụng lao động nhận thức chưa đầy đủ nên ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật ATVSLĐ, về thực hiện QDCS tại cơ sở; một bộ phận không nhỏ CNVCLĐ chưa nhận thức đúng đắn về quyền và trách nhiệm của mình đối với việc giám sát phản ảnh tình hình và phản biện xã hội.

       Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, các cấp Công đoàn cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

       Một là: Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong hệ thống chính trị về sự cần thiết của hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số  217-QĐ/TW; Quyết định số 218- QĐ/TW của Bộ chính trị, coi đó là sự đòi hỏi khách quan và là nhiệm vụ thường xuyên của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai Quyết định số 217- QĐ/TW; Quyết định số 218- QĐ/TW của cấp cơ sở để đôn đốc, theo dõi chỉ đạo thực hiện.

       Hai là: Cần làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt để cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ hiểu đúng về vai trò, ý nghĩa, mục đích, tính chất giám sát và phản biện xã hội của tổ chức Công đoàn. Có như vậy, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mới đi vào cuộc sống, phát huy được quyền làm chủ của đoàn viên, CNVCLĐ, huy động được mọi nguồn lực của khối đại đoàn kết để phát triển kinh tế - xã hội.

        Ba là: Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cán bộ CĐCS trong việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

       Bốn là: Làm tốt công tác phối hợp đối với các cơ quan đơn vị chức năng có liên quan để thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội theo nội dung Quyết định số 217-QĐ/TW; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Tỉnh ủy Thanh Hóa.

       Năm là: Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính với thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2015 - 2020.

       Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức, hoạt động đòi hỏi các cấp Công đoàn cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nêu trên, góp phần thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội nhằm bảo về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh./.

Nguyễn Thị Nga - UBKT, LĐLĐ tỉnh

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa