Đề nghị tính lương hưu có tính chia sẻ, hỗ trợ cho người có lương hưu quá thấp
Đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp. Theo đó, mức lương hưu tối thiểu của người lao động nam ở mức 40%, lao động nữ ở mức 50%.
Thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại tổ chiều 2/11, đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa) - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đề nghị việc sửa Luật không làm suy giảm hoặc mất đi các quyền lợi mà người lao động đang được thụ hưởng, để người lao động không cảm thấy “mình đang chịu phần thiệt” sau nhiều thay đổi về chính sách gần đây, như: Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian tham gia BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa 75%.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho hay, thực hiện các quy định của Hiến pháp, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn…, những năm qua các cấp Công đoàn đã chủ động, tích cực, thực hiện có hiệu quả các quyền và trách nhiệm mà pháp luật đã quy định, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động tham gia BHXH.
Đại biểu đề nghị tách Điều 13 dự thảo Luật thành 2 điều riêng: 1 điều quy định về quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; 1 điều về quyền, trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động.
Các đoàn đại biểu Thanh Hóa, Trà Vinh, Hà Nam thảo luận tại tổ chiều 2/11.
Đồng thời, tách quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thành 2 khoản riêng, vì rất nhiều quyền và trách nhiệm gắn liền với tổ chức Công đoàn mà Hiến pháp, Luật Công đoàn đã giao cho tổ chức Công đoàn với tư cách là “tổ chức chính trị - xã hội”. Trong khi đó “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” chỉ thực hiện các quyền và trách nhiệm trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.
Đồng thời, đại biểu đoàn Thanh Hóa đề xuất giữ lại các quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, gồm: “Yêu cầu người sử dụng lao động, cơ quan BHXH cung cấp thông tin về BHXH của người lao động”; “Kiến nghị, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH”.
”Đây là những quy định đã đi vào cuộc sống, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động về BHXH”, đại biểu nói.
Bên cạnh việc tiếp tục ghi nhận quyền của tổ chức Công đoàn về “khởi kiện ra Tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định của pháp luật”, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị xem xét quy định “Cơ quan BHXH khởi kiện ra Tòa án đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc” nhằm góp phần bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn cũng góp ý về quy định thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa 10 ngày trong một năm. Cơ sở xác định số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có Công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định.
”Qua thực tiễn triển khai, việc quy định giao cho Công đoàn và người sử dụng lao động xác định số ngày nghỉ là chưa phù hợp, khó xác định thế nào là tình trạng “sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau và thai sản”. Do vậy, đề nghị không quy định “tối đa” mà quy định cụ thể trong dự thảo Luật là “10 ngày”, “7 ngày”, “5 ngày” đối với từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, bỏ quy định người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định số ngày nghỉ dưỡng sức.
Tương tự, đại biểu đề nghị quy định số ngày nghỉ cụ thể đối với lao động nữ khi nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản; bỏ quy định người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định số ngày nghỉ dưỡng sức.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn cũng nhất trí sửa điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm. Đồng thời cho rằng, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng.
”Dự thảo Luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai.
Đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp; theo đó, mức lương hưu tối thiểu của người lao động nam ở mức 40%, lao động nữ ở mức 50%”, đại biểu nói.
Về hưởng BHXH một lần, đại biểu cho rằng, các phương án mà dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang thể hiện cơ bản hướng đến việc hạn chế người lao động hưởng BHXH một lần. Mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định như Tờ trình của Chính phủ đã xác định.
Do đó, cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để họ đảm bảo duy trì cuộc sống, như: Tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động… Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải đáp thông tin để người lao động biết, hiểu và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí về sau.
Ngoài ra, cần nghiên cứu có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về BHXH một lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.
Để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH, cần nghiên cứu, xem xét nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75% bằng 1 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho những năm đóng BHXH cao hơn, thay cho mức 0,5 lần như Luật hiện hành và dự thảo Luật đang quy định.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Thanh Hóa cũng đề nghị thiết kế một số quy định để phòng ngừa và giải quyết quyền lợi về BHXH của người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, cố tình hoặc vì lý do doanh nghiệp khó khăn mà không thể đóng BHXH cho người lao động.
Nguồn: Laodongthudo.vn