Cần thiết giữ nguyên đối tượng nộp và mức đóng 2% kinh phí công đoàn
Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn cho rằng, việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần làm cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động.
Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa). Ảnh: Quốc hội
Chia sẻ với PV Lao Động, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) cho biết, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) kế thừa và giữ nguyên đối tượng nộp và mức đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành tại Điểm b Khoản 1 Điều 29.
Qua tổng kết việc thực hiện Luật Công đoàn 2012 cho thấy, trong nguồn tài chính công đoàn, thu đoàn phí công đoàn chiếm từ 25 - 27%; thu kinh phí công đoàn chiếm từ 57 - 64%; thu khác chiếm từ 11 - 16%; ngân sách Nhà nước hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án, hoạt động chỉ chiếm khoảng 1%.
Trong khi đó, tỉ trọng chi tài chính công đoàn được tập trung cho công đoàn cơ sở (chiếm khoảng 75%) để chăm lo tốt hơn phúc lợi cho người lao động.
Tính trong phân phối các nội dung chi, nguồn kinh phí công đoàn cơ bản dành cho phúc lợi, đại diện, chăm lo, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho đoàn viên và người lao động, chiếm 84,14% tổng số chi.
“Việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kính phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động được thực hiện từ Luật Công đoàn 1957 đến nay nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần làm cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động” - đại biểu Võ Mạnh Sơn chia sẻ.
Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc Đảng, Nhà nước cho phép công đoàn thu 2% kinh phí là một “công cụ” để Công đoàn Việt Nam giúp Đảng, Nhà nước tập hợp, giáo dục đoàn viên, người lao động, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, Nghị quyết 06-NQ/TW và Nghị quyết 02-NQ/TW đã đề ra yêu cầu trong tình hình mới: “Tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”; “duy trì các nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hoá nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.
Do vậy, vị đại biểu này khẳng định, việc tiếp tục bảo đảm nguồn thu kinh phí công đoàn 2% là hết sức cần thiết.
Về bản chất, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho hay, nguồn thu kinh phí 2% là đóng góp của đơn vị sử dụng lao động cho tổ chức và hoạt động của công đoàn nhằm bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo cho người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đồng thời, cũng để đảm bảo vai trò của công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ, thi đua trong lao động sản xuất, kinh doanh, công tác, góp phần ổn định và phát triển các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Ngoài ra, tài chính công đoàn độc lập, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước là một nội dung quan trọng các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đã trở thành thông lệ.
So với yêu cầu chăm lo về vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, tỉ lệ đóng 2% kinh phí công đoàn hiện nay là phù hợp, nhằm đảm bảo cho công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và có tích lũy để xử lý các tình huống đặc biệt (như hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, người lao động bị mất việc làm hàng loạt do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thiên tai...).
“Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc duy trì tỉ lệ đóng kinh phí công đoàn cũng chính là chia sẻ với Chính phủ” - đại biểu Võ Mạnh Sơn nhấn mạnh.
Nguồn: Laodong.vn