Công đoàn ngành Y tế: Vai trò của chuyển đổi số trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Chuyển đổi số Y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Để công tác chuyển đổi số được đi vào chiều sâu, Ban Thường vụ Công đoàn ngành Y tế đã triển khai Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí Ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh để xây dựng lộ trình đáp ứng “Bệnh viện thông minh”; Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt và Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 của Bộ Y tế về phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 đến các Công đoàn cơ sở.
Theo đó, các đơn vị trong ngành nhận thấy rằng việc chuyển đổi số trong công tác khám bệnh, chữa bệnh là hết sức cấp thiết. Các đơn vị đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin như nâng cấp dung lượng đường truyền Internet, đầu tư hệ thống lấy số tự động; hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện hướng đến đáp ứng yêu cầu triển khai bệnh án điện tử, xây dựng bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ để giúp quy trình khám, chữa bệnh cho nhân dân được thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng, ít tốn kém thời gian, giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi khi khám, chữa bệnh tại bệnh viện, tăng tương tác với bệnh nhân. Việc quản lý hồ sơ của bệnh nhân từ lúc vào viện, ra viện, lịch sử điều trị được lưu trữ trên hệ thống công nghệ thông tin nên rất tiện lợi cho việc quản lý, tìm kiếm, truy xuất khi cần thiết. Người bệnh nhận phiếu, đơn thuốc được in ra rõ ràng, tránh nhầm lẫn. Các đơn vị cũng đã triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng phương thức quét mã QR code. Thực hiện đón, tiếp bệnh nhân bằng thẻ CCCD gắn chíp trên ứng dụng VneID. Theo đó, các giấy tờ tuỳ thân và Bảo hiểm Y tế được kiểm tra nhanh chóng, độ chính xác cao.
Để đáp ứng được với yêu cầu chuyển đổi số, ngoài việc đầu tư về máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, các đơn vị luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Y tế. Phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh. Hiệu quả đạt được rõ nhất của việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là việc khám, chữa bệnh trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Các ứng dụng công nghệ đã được triển khai nhanh chóng và phủ sóng rộng rãi tới người dân như khai báo y tế NCOVI, phòng, chống COVID; truy vết nguồn lây Bluezone, khám chữa bệnh qua Internet. Nhiều bệnh viện cũng đã triển khai lắp đặt, cài đặt và đưa vào sử dụng hiệu quả nhiều phần mềm ứng dụng như: Hệ thống phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện (HIS); hệ thống phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS); Hệ thống phần mềm quản lý chẩn đoán hình ảnh (PACS); hệ thống phần mềm quản lý hoá đơn điện tử…Những nền tảng số này hỗ trợ đội ngũ y tế sàng lọc người bệnh và tư vấn khám chữa bệnh từ xa, bên cạnh đó nâng cao nhận thức của người dân đối với tình hình diễn biến của dịch bệnh cũng như trong công tác quản lý tiêm chủng đã tạo điều kiện giúp người dân thuận lợi theo dõi thông tin tiêm chủng của cá nhân.
Đội ngũ Y, Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa với công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu cho chẩn đoàn và điều trị chất lượng cao
Tuy bước đầu công tác chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự tiện ích, thuận lợi trong công tác khám, chữa bệnh, chuyển đổi số trong ngành Y tế đã nhận được sự đồng thuận của đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động trong ngành cũng như sự hài lòng của nhân dân.
Để công tác chuyển đổi số phát triển và có hiệu quả, đạt được sự hài lòng của người bệnh, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Công đoàn ngành Y tế đã tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của các cấp về ứng dụng công nghệ thông tin; các Thông tư hướng dẫn các đơn vị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cũng như chuyển đổi số bệnh viện hiệu quả.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển và bảo đảm an toàn thông tin mạng, đặt trọng tâm vào chuyển đổi số trong toàn ngành góp phần xây dựng bệnh viện hiện đại, chất lượng. Triển khai, ứng dụng các dịch vụ hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe.
Ba là, Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cũng như tổ chức các Chương trình hội thảo, các lớp tập huấn chuyên đề về công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ nhân viên y tế và người dân, người bệnh.
Bốn là, đẩy mạnh các giải pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng bệnh viện thông minh để có thể đáp ứng đầy đủ, sẵn sàng cho công cuộc cách mạng hóa, chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh.
Việc thực hiện chuyển đổi số trong công tác khám, chữa bệnh có ý nghĩa hết sức quan trọng, là tiền đề để hướng đến mục tiêu: Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ; người dân được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng để nâng cao sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống./.
Hồ Diệu Tùng – Công đoàn ngành Y tế