Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 21

    Hôm nay: 290

    Đã truy cập: 2259086

Vai trò, lợi ích của tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp

Như chúng ta đều biết, công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của công đoàn, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của Pháp luật Việt Nam và Điều lệ Công đoàn Việt Nam ( Điều 4 Luật Công đoàn).

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập Quốc tế hiện nay, công đoàn cơ sở có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong doanh nghiệp và với người lao động. Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp hoạt động hiệu quả có thể giúp cân đối lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhận thức được  tầm quan trọng của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, trong những năm qua, ở các tỉnh, thành trong cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã có rất nhiều doanh nghiệp tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn.

Ảnh: Bà  Trịnh Thị Loan, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT- Giám đốc công ty CP Dạ Lan- Thanh hóa  tặng hoa chúc mừng ban chấp hành Công đoàn công ty.

Tuy nhiên, việc thành lập công đoàn cơ sở trong  khối doanh nghiệp hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Một số chủ doanh nghiệp không quan tâm, không thấy được lợi ích của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, nên ngần ngại về việc thành lập công đoàn cơ sở. Thậm trí có doanh nghiệp cho rằng hoạt động của công đoàn cơ sở vừa tốn kém thời gian, nhân lực, kinh phí… Trong khi đó, bản thân người lao động cũng không mặn mà với việc tham gia công đoàn cơ sở. Họ cho rằng, tham gia công đoàn chỉ tốn thời gian, phải đóng đoàn phí, trong khi quyền lợi thì hầu như rất ít. Điều này hoàn toàn chưa đúng, vì nếu chủ doanh nghiệp và người lao động quan tâm và tạo điều kiện cho hoạt động của công đoàn cơ sở, và tổ chức công đoàn cơ sở  thực sự phát huy được tối đa vai trò và năng lực của mình thì những lợi ích mà công đoàn mang lại thật sự vô cùng lớn cho cả doanh nghiệp cũng như người lao động.

          Về lợi ích đối với người lao động

Công đoàn cơ sở thực hiện  vai trò  đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động;

Công đoàn cơ sở tham gia thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, giám sát doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng lao động cho người lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy  lao động, quy chế dân chủ ở doanh nghiệp; Đôn đốc doanh nghiệp mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động;Tham gia hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động, đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định tiến bộ trong doanh nghiệp.

Công đoàn là cầu nối, là nơi giải quyết những khúc mắc của người lao động với doanh nghiệp, tham gia ý kiến với doanh nghiệp trong việc tổ chức bữa ăn ca, các chế độ chính sách cho người lao động. Bên cạnh đó, Công đoàn còn đóng góp ý kiến với doanh nghiệp về môi trường làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động; đề nghị trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động theo đúng công việc cho người lao động.

Công đoàn cơ sở phối hợp với Doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, tham quan du lịch, chế độ ngày lễ tết, thực hiện việc thăm hỏi động viên những lúc ốm đau và  xây dựng chế độ chính sách đến người lao động và người thân trong gia đình người lao động..,

Về lợi ích cho doanh nghiệp

Công đoàn cơ sở tham gia hỗ trợ người sử dụng lao động xây dựng nội quy lao động, bảng lương, thỏa ước lao động tập thể.

Khi có tranh chấp xảy ra như đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, đình công… Công đoàn cơ sở sẽ tổ chức đối thoại nhằm dung hòa lợi ích của người lao động với người sử dụng lao động trên tư cách là một chủ thể độc lập, trung gian giải quyết tranh chấp lao động.

Khi có tổ chức công đoàn, doanh nghiệp sẽ có "người" giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ của người lao động, từ đó sẽ hạn chế tai nạn lao động, công nhân hoặc người lao động bỏ việc, làm việc không hết trách nhiệm, không tôn trọng cam kết, thoả ước lao động...

Trong công tác quản lý người lao động, Doanh nghiệp sẽ có tổ chức giúp giám sát người lao động thực hiện các quy định của Pháp luật, Nội quy, Quy chế của Doanh nghiệp từ đó giúp Doanh nghiệp đảm bảo được việc quản lý người lao động được tốt hơn.

Khi vai trò của tổ chức Công đoàn cơ sở trong Doanh nghiệp được phát huy hiệu quả thì phong trào sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp được đẩy mạnh, sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp cũng như người lao động trong doanh nghiệp. Đồng thời tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững và xây dựng đội ngũ lao động vững mạnh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, uy tín, hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.

 

Phạm Ngọc Điệp - Chủ tịch CĐ Ngành Công Thương Thanh Hoá

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa