Nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách hàng đến hoạt động, sinh hoạt, vui chơi, giải trí tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Thanh Hóa
Nhà Văn hóa Lao động là trung tâm hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao; trung tâm tập hợp, truyên truyền, giáo dục công nhân, viên chức, lao động; trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ và hạt nhân cho phong trào cơ sở, nơi thu hút công nhân, viên chức, lao động và nhân dân đến vui chơi, giải trí, thụ hưởng và sáng tạo văn hóa, thể thao lành mạnh.
Hệ thống Nhà Văn hóa Lao động đang hằng ngày, hàng giờ đồng hành cùng cuộc sống của Công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), người dân và là một phần không thể thiếu của xã hội. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động là hết sức cần thiết. Trong thời đại công nghệ thông tin và nền tảng số như hiện nay, đời sống của (CNVCLĐ) và người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu hưởng thụ văn hóa – nghệ thuật, vui chơi, giải trí của CNVCLĐ, người dân cũng được nâng lên, đòi hỏi tập thể Ban lãnh đạo, cán bộ Nhà Văn hóa Lao động luôn luôn phải đổi mới, sáng tạo phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng phục vụ cũng như thu hút khách hàng đến với Nhà Văn hóa Lao động.
Chất lượng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao của Nhà Văn hóa Lao động trong những năm gần đây đã có sự phát triển, nội dung và hình thức tổ chức các hoạt động thường xuyên được đổi mới, góp phần làm phong phú và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CNVCLĐ và người dân. Phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển, phục vụ có hiệu quả các ngày lễ kỷ niệm, nhiệm vụ Chính trị của ngành, địa phương và việc rèn luyện nâng cao thể chất, tinh thần của CNVCLĐ và người dân.
Để cho các hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động vừa đi vào chiều sâu cũng như chiều rộng, tập thể Ban lãnh đạo, cán bộ Nhà Văn hóa Lao động đã đưa ra những giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, vấn đề ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động vui chơi giải trí tại Nhà Văn hóa Lao động. Do đó, Nhà Văn hóa Lao động đã tăng cường công tác phòng chống dịch. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 (đặt các biển hướng dẫn, pa-no, áp phích phòng chống dịch, nước rửa tay xát khuẩn). Đây là yếu tố hàng đầu tạo sự tin tưởng, yên tâm cho khách hàng và người dân.
Thứ hai, xây dựng và quảng bá thương hiệu Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Thanh Hóa. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và nền tảng số để quảng bá. Chú trọng xây dựng thương hiệu, hình ảnh bên trong điểm đến Nhà Văn hóa Lao động (chất lượng phục vụ, cơ sở vật chất, sự thân thiện, tận tình, hiếu khách), kết hợp với xúc tiến quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng (Zalo, Facebook).
Thứ ba, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với mở rộng dịch vụ và thị trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế, ổn định Chính trị, an sinh xã hội. Phát huy tính chủ động, tích cực, nỗ lực của CNVCLĐ, người dân và vai trò tự quản của cộng đồng đối với sự nghiệp gìn giữ và phát triển văn hóa.
Thứ tư, luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động, gắn nội dung hoạt động với nhiệm vụ Chính trị và lợi ích của cộng đồng, khu dân cư. Huy động sự tham gia của các đoàn thể và liên kết các đơn vị, cá nhân để làm phong phú thêm nội dung hoạt động tại Nhà Văn hóa Lao động.
Thứ năm, xây dựng các nội dung, chương trình hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, đa dạng phù hợp với các nhóm đối tượng, các lứa tuổi; đặc biệt là thu hút những người có tài năng nghệ thuật, năng khiếu thể thao tham gia sinh hoạt tại Nhà Văn hóa Lao động. Tổ chức nhiều mô hình Câu lạc bộ về văn hóa, nghệ thuật, thể thao nhằm thu hút CNVCLĐ và người dân tham gia hoạt động.
Thứ sáu, tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như các kỹ năng cho cán bộ Nhà Văn hóa Lao động. Bởi vì, ngoài cơ sở vật chất thì cán bộ là khâu quyết định đến sự tồn tại và hoạt động hiệu quả của Nhà Văn hóa Lao động.
Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng các thiết chế văn hóa, kịp thời phát hiện, khắc phục những sai lệch, tiêu cực, có biện pháp giải quyết phù hợp và biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.
Với sự quan tâm của Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, sự đồng tình ủng hộ của các cấp Công đoàn, của Công nhân, viên chức, lao động và toàn thể nhân dân trên địa bàn thành phố, tập thể Ban lãnh đạo, cán bộ Nhà Văn hóa Lao động không ngừng nỗ lực để phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CNVCLĐ và người dân; tạo môi trường văn hóa lành mạnh. Từ đó, thúc đẩy phong trào văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao phát triển góp phần tích cực công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cũng như đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới./.
Trịnh Thanh Hải - Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động