Hoạt động Nhà văn hóa Lao động
Nhà Văn hóa Lao động Thanh Hóa được thành lập năm 1988. Đến năm 2008, Nhà Văn hóa Lao động được bàn giao và đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở vật chất trên diện tích 10.000m2 gồm khu nhà Hội trường, Nhà công vụ và nhà thi đấu TDTT. Vị trí tại khu chợ vườn hoa cũ, số 09 Hàng Nan, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa.
Nhà Văn hóa Lao động có chức năng: là trung tâm hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; trung tâm tập hợp, tuyên truyền giáo dục công nhân, viên chức, lao động; trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ và hạt nhân cho phong trào cơ sở; nơi thu hút công nhân, viên chức lao động và nhân dân đến vui chơi, giải trí, thụ hưởng và sáng tạo văn hóa, thể thao lành mạnh.
Nhiệm vụ chính gồm:
- Tuyên truyền, phục vụ các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước và quốc tế do Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và tổ chức Công đoàn yêu cầu.
- Tổ chức các đội nhóm, các câu lạc bộ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thông tin tuyên truyền vui chơi giải trí, các hình thức bồi dưỡng, phát triển năng khiếu, tài năng cùng các sở thích lành mạnh của CNVCLĐ, nhất là CNLĐ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa; bồi dưỡng hạt nhân cho phong trào cơ sở.
- Tổ chức và phục vụ có thu trên các lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch, hội nghị, hội thảo, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và các dịch vụ văn hóa, thể thao khác không trái với quy định của Nhà nước và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Nhà Văn hóa Lao động… để bổ sung kinh phí hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất và dành một phần chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên.
- Quản lý sử dụng có hiệu quả, bảo toàn, phát triển cơ sở vật chất nguồn vốn được giao. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước và Công đoàn. Xây dựng mối quan hệ phối hợp thường xuyên với các ngành có liên quan, đặc biệt là với ngành văn hóa, thể thao và du lịch, ngành thông tin và truyền thông để thực hiện hiệu quả công việc của mình.
Nhà văn hóa lao động Thanh Hóa trong những năm qua đã hoàn thành tốt hoạt động sự nghiệp mà tổ chức Công đoàn đã giao. Cụ thể các hoạt động sự nghiệp tại đơn vị như sau:
- Phục vụ các hoạt động của tổ chức Công đoàn
Hàng năm, Nhà văn hóa lao động Thanh Hóa thường xuyên và là điểm đến chính để tổ chức các hoạt động của tổ chức Công đoàn (bao gồm LĐLĐ tỉnh và CĐ các ngành đóng trên địa bàn Thành phố, CĐ Viên Chức, CĐ khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp) với các hoạt động như: mít tinh, kỷ niệm, hội nghị, đại hội các cấp CĐ, các hội thi, hội diễn, hội thao, Tết Sum vầy, các lớp tập huấn nghiệp vụ…
- Hoạt động CLB
NVH Lao động Thanh Hóa duy trì từ 12 – 15 CLB qua các năm. Hoạt động CLB chủ yếu là hoạt động liên kết với các cá nhân và tổ chức, với mục tiêu là nơi vui chơi, giải trí cho CNVCLĐ và phục vụ các đối tượng khác trên địa bàn như hưu trí, con em người lao động,...Hàng ngày, có khoảng 150 – 300 lượt người đến tham gia hoạt động các CLB, đối tượng chủ yếu là CNVCLĐ (trên 50%)
Hoạt động CLB cũng đóng góp các thành tích cho NVH khi tham gia các cuộc thi cấp tỉnh, cấp TP như: Giải khiêu vũ Thanh Hóa mở rộng (Giải Nhất lứa tuổi trung niên), Hội thi Hát về quê hương Thanh Hóa (Đạt giải Nhất), Liên hoan tiếng hát Hoa phượng đỏ toàn tỉnh (Đạt giải Ba), có thí sinh tham gia các vòng thi cuộc thi Giọng hát Việt nhí các năm, Cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí cấp tỉnh (Giải Nhất, tiết mục võ thuật tập thể - CLB võ thuật).
Ngoài ra, nhiều thành viên các CLB còn tham gia các hội thi văn hóa, văn nghệ, TDTT trên địa bàn toàn tỉnh.
Vào dịp hè, NVH LĐ Thanh Hóa mở các lớp năng khiếu cho các cháu thiếu nhi là con em CNVCLĐ trên địa bàn Thành phố và các vùng lân cận như: Lớp Cầu lông, Bóng bàn, Mỹ thuật, Cờ vua, Thanh nhạc. Ngoài ra, chỉ đạo các CLB có hoạt động kỹ năng cho các cháu như: Lớp múa từ cơ bản đến nâng cao, lớp Võ thuật, các
lớp kỹ năng sống, lớp Khiêu vũ.
- Hoạt động phát triển hạt nhân cho phong trào cơ sở
Hoạt động tại các CLB, ngoài việc là nơi vui chơi, giải trí của CNVCLĐ còn có các lớp đào tạo kỹ năng như Khiêu vũ, Thanh nhạc, Bóng bàn, Múa,…Các hoạt động đào tạo này giúp phát triển hạt nhân cho phong trào cơ sở.
Lớp múa có các học viên từ các huyện, khi trở về đã tự mở các lớp múa tại cơ sở, hoặc tự đứng ra đạo diễn, giàn dựng các tiết mục văn nghệ tại cơ sở.
Lớp thanh nhạc có các học viên đậu và theo học các trường văn hóa nghệ thuật như: Trường ĐH Văn hóa, TDTT và Du lịch Thanh Hóa, Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Học viện Âm nhạc Quốc gia. Đây là những hạt nhân có đào tạo bài bản, góp phần phát triển hoạt động văn hóa, văn nghệ.
- Phục vụ các đơn vị hành chính, sự nghiệp khác trên địa bàn
Ngoài phục vụ các hoạt động của Tổ chức Công đoàn thì NVHLĐ Thanh Hóa còn chủ yếu phục vụ các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy diện tích nhỏ, vị trí sâu trong khu dân cư, nhưng là khu trung tâm nên NVH vẫn được các đơn vị này lựa chọn để tổ chức các hoạt động Mít tinh, Hội nghị, Hội thảo, Hội diễn, Hội thao, Hội thi…
Các đối tác thường xuyên như: Sở Giáo dục, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp & PTNT, Hội Nông dân tỉnh, Hội đồng Nhân dân tỉnh, Tòa án tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Đoàn khối các cơ quan tỉnh, Trung tâm văn hóa tỉnh, các đoàn Nghệ thuật Chèo, Tuồng, Cải lương – nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh…Đây là các hoạt động mà đối tượng phục vụ là CNVCLĐ của các đơn vị, hoặc là hoạt động nghệ thuật (Đoàn Nghệ thuật truyền thống)
Như vậy, Nhà văn hóa lao động Thanh Hóa đã phục vụ tốt các hoạt động mà LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa giao như: Lễ Kỷ niệm, Hội thi, Hội thao, Hội nghị, các lớp tập huấn, Tết Sum vầy, phục vụ các hoạt động của tháng công nhân…
Các hoạt động CLB được duy trì và phát triển góp phần là nơi vui chơi, giải trí cho CNVCLĐ, bên cạnh đó còn góp phần đào tạo hạt nhân cho phong trào cơ sở.
Phối hợp với các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT phục vụ cho CNVCLĐ.
Từ năm 2010 đã tự chủ một phần chi thường xuyên, bao gồm chi hành chính, chi sửa chữa, mua sắm nhỏ. Đến năm 2016 tự chủ thêm một phần lương.
Như vậy, qua quá trình hoạt động mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng NVH lao động Thanh Hóa đã hoàn thành cơ bản những nhiệm vụ mà Thường trực LĐLĐ tỉnh giao.
Tuy nhiên, với những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao để phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại, Nhà Văn hóa Lao động cần nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành được nhiệm vụ đề ra. Nhiệm vụ trước mắt đến năm 2025, một mặt phải hoàn thành tốt nhiệm vụ sự nghiệp công đoàn, một mặt phải hoàn thành nhiệm vụ tự chủ tại đơn vị theo yêu cầu của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Với định hướng phát triển lâu dài, Nhà Văn hóa Lao động phải là điểm đến văn hóa, văn nghệ, TDTT cho CNVCLĐ; phải xây dựng được vị thế quan trọng đối với tư cách là một đơn vị hoạt động văn hóa, TDTT trên đại bàn toàn tỉnh.
Về chiến lược lâu dài Ban giám đốc Nhà Văn hóa Lao động đã và đang tham mưu cho Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh xây dựng đề án phát triển Nhà Văn hóa Lao động phấn đấu đến hết năm 2025 theo hướng tự chủ toàn phần, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Nhà Văn hóa.
Trịnh Thanh Hải - Giám đốc Nhà văn hóa Lao động