Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 7

    Hôm nay: 1536

    Đã truy cập: 3133588

Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện đề án truyền thông, tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của tỉnh, đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) không ngừng gia tăng về số lượng và chất lượng, đặc biệt là lực lượng lao động nữ trong các ngành công nghiệp may mặc, giày da và chế biến hải sản.

       Theo thống kê tháng 8/2022, tổng số công nhân, viên chức, lao động toàn tỉnh có 314.937 người, trong đó nữ là 229.623 người chiếm 72,9%; tổng số đoàn viên công đoàn là 269.340 người, trong đó nữ là 201.686 người chiếm tỷ lệ 74,9% đang sinh hoạt tại 3.565 Công đoàn cơ sở.

       Thực tế cho thấy, hầu hết nữ công nhân lao động (CNLĐ) tại các doanh nghiệp xuất thân từ nông thôn, làm việc trong điều kiện áp lực cao về thể chất và tinh thần. Bên cạnh đó, điều kiện sinh sống của họ cũng không được thoải mái, tiện nghi sinh hoạt thiếu thốn, điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của công nhân lao động nhất là nữ công nhân cũng chưa được đảm bảo. Đặc biệt, họ thiếu các thông tin truyền thông tối thiểu về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, ngại tìm hiểu, nghe tư vấn về cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục… nên dẫn đến những hệ lụy không đáng có.

       Nhận thức được ý nghĩa, vai trò của truyền thông, tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ CNLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, LĐLĐ tỉnh xây dựng  Đề án "Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công công đoàn các cấp", “Nâng cao chất lượng truyền thông, tư vấn và chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho nữ công nhân lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thuộc LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”…. nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho CNLĐ, khuyến khích lối sống dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp và cho tỉnh Thanh Hóa,

       Hằng năm, LĐLĐ tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của UBND tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều hình thức tuyên truyền đến nữ CNLĐ như: Nói chuyện chuyên đề, tập huấn, tọa đàm, diễn đàn, hội thi, liên hoan văn nghệ nhân kỷ niệm ngày 8/3, ngày 20/10, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Dân số Việt Nam 26/12, Ngày Dân số Thế giới 11/7, Tháng công nhân (tháng 5), Tháng hành động quốc gia về dân số (tháng 12), Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới…

Các bác sĩ Trung tâm KSBT tỉnh Thanh Hóa đang truyền thông, tư vấn sức khỏe sinh sản cho nữ CNLĐ tại Công ty TNHH Dream F Vina Triệu Sơn

       Tổ chức lồng ghép, truyền thông qua các hội nghị tuyên truyền để tìm hiểu về sức khỏe sinh sản; tuyên truyền tầm kiểm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tầm soát sớm bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư vú; tuyên truyền hỗ trợ các kiến thức về gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái; tuyên truyền, phổ biến kiến thức bình đẳng giới, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số và cuộc sống cho CNLĐ.

       LĐLĐ tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở tích cực tham gia với chính quyền, người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CNVCLĐ cũng như khám chuyên khoa phụ sản cho nữ CNLĐ. Qua kiểm tra sức khỏe định kỳ cho CNLĐ, những trường hợp bị mắc bệnh thông thường đã được các cấp Công đoàn phối hợp ngành y tế tư vấn và hỗ trợ điều trị kịp thời.

       Triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng truyền thông, tư vấn và chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho nữ công nhân lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thuộc LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”, trong năm 2022, LĐLĐ tỉnh tổ chức 78 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho CNLĐ các doanh nghiệp với trên 20.980 lượt CNLĐ tham gia, trong đó có gần 15.035 lượt nữ đoàn viên, người lao động được học tập, tuyên truyền phổ biến các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của Công đoàn; tổ chức 18 lớp tập huấn về các chế độ chính sách liên quan đến lao động nữ, chính sách dân số KHHGĐ, Luật bình đẳng giới, kiến thức gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân gia đình, công tác vận động nữ CNVCLĐ trong tình hình mới cho cán bộ nữ công cơ sở với gần 3.050 người tham gia; sản xuất 04 video tuyên truyền trên trang truyền thông Công đoàn Thanh Hóa với nội dung tư vấn, chăm sóc, sức khỏe sinh sản cho nữ CNLĐ trong các doanh nghiệp; phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn, truyền thông về SKSS cho 230.180 lượt CNLĐ, thăm khám chuyên khoa cho gần 20.550 lượt nữ CNLĐ tại các DN có đông lao động nữ; biên soạn và cấp phát 85.000 tờ rơi về “Một số điểm mới về chế độ chính sách liên quan đến lao động nữ” cho CNLĐ trên địa bàn tỉnh...

Thăm khám chuyên khoa cho nữ CNLĐ tại Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Apprel Tech Vĩnh Lộc

       Mặc dù ghi nhận có những bước chuyển nhất định về nhận thức của nữ công nhân trong công tác chăm sóc SKSS, tuy nhiên, trên thực tế, số lượng lao động nữ quá đông, do nhiều điều kiện khác nhau: kinh tế, thời gian… nên vẫn còn nhiều nữ CNLĐ ở một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được tiếp cận với các cơ sở y tế, dịch vụ tư vấn, thăm khám, chăm sóc sức khỏe sinh sản; các doanh nghiệp chưa có cán bộ y tế có chuyên môn sâu về sản khoa; việc khám sức khỏe định kỳ cho công nhân ở một số công ty chưa được quan tâm đúng mức, nhiều khi tổ chức khám còn mang tính hình thức...

       Để công tác truyền thông, tư vấn, thăm khám, chăm sóc sức khỏe được thực hiện tốt và ý thức thực hiện của nữ CNLĐ được nâng cao, thời gian tới, các cấp Công đoàn trong tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa một số các giải pháp sau:

          Một là, đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn, tuyên truyền trực tiếp tới CNLĐ trong các doanh nghiệp có đông lao động nữ, tại các khu nhà trọ có nhiều nữ CNLĐ trẻ, trong độ tuổi sinh sản bằng nhiều hình thức phong phú như: truyền thông trực tiếp, như nói chuyện, tư vấn; Biên soạn tài liệu truyền thông, như: tờ gấp, sổ tay cẩm nang về CSSK cấp phát đến nữ CNLĐ; treo các băng zôn, pa nô ... Truyền thông thông qua các tổ công nhân tự quản; các câu lạc bộ tại khu ký túc xá/nhà trọ có đông nữ CNLĐ; Xây dựng các mô hình câu lạc bộ, làm các video, clip ngắn về CSSK tuyên truyền tại doanh nghiệp; mở chuyên mục chăm sóc sức khỏe trên trang Website Công đoàn Thanh Hóa, trên hệ thống internet, tin nhắn điện thoại (SMS, internet), mạng xã hội; tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức về gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng giới, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số và cuộc sống cho CNLĐ..

       Hai là, phối hợp các đơn vị có chức năng thuộc Sở Y tế tỉnh tổ chức các hoạt động chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nữ CNLĐ tại các doanh nghiệp; Khám bệnh, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí, tại các hoạt động lớn, như: Tháng Công nhân, Ngày chăm sóc sức khỏe toàn dân...; Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Tập huấn cho cán bộ y tế doanh nghiệp; Tổ chức kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca của người lao động.

       Ba là, phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức các hoạt động chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nữ CNLĐ tại các doanh nghiệp, tổ chức tập huấn, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống các yếu tố tác động bệnh nghề nghiệp; Tầm soát, tư vấn cách điều trị phòng chống bệnh nghề nghiệp và các bệnh mắc phải do môi trường làm việc không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; Tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc chấp hành thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe.

       Bốn là, các cấp Công đoàn cần nâng cao chất lượng thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, trong đó chú trọng đề xuất đưa vào thỏa ước những quy định có lợi hơn cho nữ CNLĐ so với quy định của pháp luật, đặc biệt là những nội dung liên quan tới chế độ ốm đau, thai sản, khám sức khỏe định kỳ cho CNLĐ và khám phụ khoa cho lao động nữ,...Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, tạo điều kiện cho lao động tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản để nâng cao thể chất và tinh thần cho lao động nữ.  

       Năm là, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp trong việc tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn và chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho nữ CNLĐ; Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, trọng tâm là cán bộ Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp trong tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn, đối thoại, thương lượng về chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nữ CNLĐ; Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban nữ công quần chúng Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp; Duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và nhân rộng các mô hình Câu lạc bộ nữ CNLĐ trong các doanh nghiệp

Đỗ Thúy Hà - Chuyên viên Ban Tuyên giáo - Nữ công

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa