Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 22

    Hôm nay: 890

    Đã truy cập: 2352220

Giải pháp nâng cao vai trò thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ CNVC- LĐ trong tình hình mới

Chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) là quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, được quy định tại điều 10 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013; điều 1 Luật Công đoàn năm 2012. Đây là mong muốn và nguyện vọng của CNVCLĐ, là chức năng số một của tổ chức công đoàn.

       Hiện nay, Thanh Hóa có 338.580 CNVCLĐ, trong đó khối HCSN 103.390 người, khối SXKD 235.190 người. Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Tổng LĐLĐ Việt Nam, của Tỉnh ủy, Liên đoàn Lao động tỉnh không ngừng đổi mới về tổ chức và triển khai nhiều giải pháp thiết thực để đại diện, chăm lo bảo vệ đoàn viên và người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. 

       LĐLĐ tỉnh đã phối hợp tốt với các sở, ban, ngành của tỉnh không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, chủ động nắm tình hình, tham gia giải quyết ngừng việc tập thể, tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật và hành xử đúng pháp luật, tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.

       Công đoàn các cấp đã chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp thực hiện tốt QCDC ở cơ sở. Bình quân hàng năm, tỷ lệ các đơn vị tổ chức hội nghị dân chủ cơ sở đạt 91%. Chỉ đạo Công đoàn trong các doanh nghiệp triển khai thực hiện việc đối thoại tại nơi làm việc theo nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động bình quân đạt 50-60%.

       Hàng năm, LĐLĐ tỉnh tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể cho cán bộ Công đoàn các cấp. Công đoàn khối doanh nghiệp đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đàm phán, thương lượng, ký kết và thực hiện các Bản Thỏa ước Lao động tập thể. Hiện nay đã có 468 bản TƯLĐTT có nhiều điều khoản có lợi hơn so với quy định của pháp luật cho người lao động. Công đoàn tham gia xét nâng lương, nâng bậc, nâng chất lượng bữa ăn ca; Ngoài ra, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã ký 173 bản thỏa thuận hợp tác, với 402.735 đoàn viên, người lao động được thụ hưởng từ Chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động với số tiền trên 28 tỷ đồng.

       LĐLĐ tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng hoạt động công đoàn, kiến thức pháp luật cho cán bộ CĐCS, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ CĐCS hoạt động hiệu quả, thực sự là người đại diện cho tập thể người lao động tham gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, CNVC-LĐ.

       Hàng năm, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã triển khai chương trình Tết sum vầy, Tháng công nhân huy động từ nguồn tài chính để thăm, tặng quà cho hàng trăm ngàn người lao động với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể tại Chương trình “Tết sum vầy - Xuân Bình an” năm 2022 các cấp Công đoàn tỉnh Thanh Hóa đã tặng quà cho 235.418 đoàn viên, CNVCLĐ với số tiền là 181,6 tỉ đồng ( huy động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ tặng quà được trên 95.8 tỷ đồng), hỗ trợ sửa chữa và xây mới 148 nhà Mái ấm Công đoàn cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền là 5,83 tỷ đồng.

       Năm 2022, LĐLĐ tỉnh triển khai thực hiện 26 Dự án với số tiền 1,2 tỷ đồng từ Quỹ QGGQVL để tăng thu nhập, tạo thêm việc làm mới cho đoàn viên; thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh hiểm nghèo cho 1.287 lượt với số tiền trên 3,4 tỷ đồng; tặng 287 suất học bổng cho con đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích cao trong học tập với số tiền 444 triệu đồng...

       Các cấp Công đoàn đã tích cực tham gia, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến đoàn viên lao động như tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN, các chế độ ưu tiên, ưu đãi ngành nghề công tác ATVSLĐ, PCCN.. hạn chế việc việc nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp.

        Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động vẫn còn những tồn tại, hạn chế:

       Việc tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công nhân, viên chức, lao động của một số Công đoàn cơ sở còn hạn chế, một số doanh nghiệp, đơn vị hiện tượng vi phạm về hợp đồng lao động, ATVSLĐ, không đóng BHXH, bảo hiểm y tế cho người lao động vẫn còn xảy ra.

       Tỷ lệ doanh nghiệp đã thành lập CĐCS tổ chức hội nghị người lao động, đối thọai còn thấp; chất lượng hội nghị chưa đạt do một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức rõ việc thực hiện QCDC ở cơ sở là trách nhiệm của người sử dụng lao động, mà coi đây là trách nghiệm của tổ chức Công đoàn.

       Việc thực hiện nghị quyết 01/NQ-ĐCT về TƯLĐTT còn gặp khó khăn, chất lượng của các TƯLĐTT chưa cao, còn sao chép luật và nội quy lao động, chưa có nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ. Đối thoại ở một số doanh nghiệp còn hình thức, hiệu quả chưa cao.

       Công tác tham gia thanh kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến NLĐ còn chưa được thực hiện thường xuyên. Điều kiện làm việc của NLĐ tại một số doanh nghiệp chưa được cải thiện, còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

       Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đại diện, bảo vệ quyền lợi CNVCLĐ, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về ‘Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” các cấp Công đoàn trong tỉnh phải tập trung thực hiện tốt các nhóm giải pháp sau:

       Một là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho CNVCLĐ, nhất là CNLĐ ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời tuyên truyền vận động để người sử dụng lao động, cán bộ Công đoàn nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của cán bộ Công đoàn trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

       Hai là, Công đoàn các cấp chủ động tham gia với Đảng, Nhà nước sửa đổi bổ sung các chế độ, chính sách phù hợp với thực tiễn; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động  triển khai việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; hướng dẫn và giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động ở cơ sở; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế trả lương, quy chế thưởng, thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động; nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT theo hướng có lợi hơn cho đoàn viên và người lao động tập trung vào các nội dung về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chất lượng bữa ăn ca, điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động, các chế độ phúc lợi vào dịp Lễ, Tết; nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới ATVSV, duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát hạn chế các vụ tranh chấp lao động tập thể có thể dẫn đến đình công không đúng quy định của pháp luật; thực hiện quyền khởi kiện và đại diện đoàn viên và người lao động, tham gia tố tụng tại toàn án theo quy định của pháp luật.

       Ba là, hướng dẫn các cấp Công đoàn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở; đặc biệt đổi mới hình thức tư vấn pháp luật, bên cạnh tư vấn tại văn phòng, tư vấn qua điện thoại, các cấp Công đoàn triển khai thêm các hoạt động tư vấn, đối thoại tại nơi làm việc, nơi ở…

       Bốn là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức cơ bản nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động của cán bộ công đoàn; nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn, nhất là quan tâm đối với cán bộ Công đoàn ở tại cơ sở. Tập trung bồi dưỡng toàn diện kỹ năng, trong đó chú trọng nâng cao kỹ năng hoạt động của Chủ tịch, Phó Chủ tịch CĐCS, kỹ năng đàm phám, thương lượng, đối thoại của cán bộ Công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước theo hướng đào tạo, bồi dưỡng cho tổ trưởng, tổ phó công đoàn; căn cứ vào nhu cầu, đối tượng đào tạo bồi dưỡng để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng sao cho phù hợp với điều kiện thực tế nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động thực tiễn của cán bộ công đoàn

        Năm là, tiếp tục chăm lo nâng cao lợi ích vật chất cho đoàn viên và người lao động thông qua đẩy mạnh công tác tìm kiếm đối tác mới để thực hiện chương trình “Phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và người lao động để chia sẻ khó khăn với đoàn viên và người lao động; Thực hiện có hiệu quả Quỹ Hỗ trợ Đoàn viên Công nhân viên chức lao động Công đoàn Thanh Hóa trong việc hỗ trợ cho đoàn viên sửa chữa và xây mới nhà Mái ấm Công đoàn; thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh hiểm nghèo; tặng học bổng cho con đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích cao trong học tập.

       ​Sáu là, từng bước quan tâm, chăm lo hỗ trợ nhà ở cho người lao động, nhất là CNLĐ, xây dựng thiết chế văn hóa Công đoàn phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ, tạo điều kiện để CNLĐ có điều kiện tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác, sản xất, kinh doanh của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Mai Bá Nam - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa