Công đoàn Thanh Hóa chăm lo lợi ích thiết thực cho Nữ công nhân, viên chức, lao động
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tỉnh Thanh Hóa không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Theo thống kê tháng 12/2022, tổng số CNVCLĐ toàn tỉnh Thanh Hóa có 340.308 người, trong đó nữ là 251.417 người chiếm 73,8%; tổng số đoàn viên Công đoàn là 325.546 người, trong đó nữ là 241.395 người chiếm tỷ lệ 74,2% đang sinh hoạt tại 3.700 Công đoàn cơ sở.
Để phát huy được vị trí, vai trò của nữ CNVCLĐ, ngay từ đầu năm 2022, Ban Tuyên giáo - Nữ công đã tham mưu cho Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn các cấp thực hiện tốt công tác nữ công. Trên cơ sở đó, nữ công Công đoàn các cấp đã căn cứ tình hình thực tiễn tham mưu cho ban chấp hành Công đoàn cùng cấp cụ thể hóa và triển khai thực hiện bằng những hoạt động thiết thực, có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ, quan tâm động viên, tạo môi trường, điều kiện để nữ CNVCLĐ yên tâm lao động, tích cực học tập, nâng cao trình độ và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của mình.
Một trong những điểm nổi bật của các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh trong năm qua là hoạt động hỗ trợ, chăm lo thiết thực cho đoàn viên và người lao động đặc biệt là lao động nữ. Tính từ đầu năm đến nay, các cấp Công đoàn đã thăm, tặng quà và hỗ trợ quà Tết, hỗ trợ Covid-19, hỗ trợ ốm đau, hỗ trợ làm nhà, sửa nhà “Mái ấm Công đoàn”, tặng quà “Tháng Công nhân” cho 283.129 đoàn viên, người lao động với số tiền trị giá 209,857 tỷ đồng (trong đó Liên đoàn Lao động tỉnh trên 42,109 tỷ đồng, Công đoàn cấp trên cơ sở và Công đoàn cơ sở 63,872 tỷ đồng, vận động các doanh nghiệp hỗ trợ 102,039 tỷ đồng; Hoạt động “Tết Sum vầy - Xuân Bình an” năm 2022 được triển khai từ tỉnh đến cơ sở, với tinh thần “không để người lao động nào không có Tết”, các cấp Công đoàn đã huy động, hỗ trợ cho 235.000 đoàn viên, người lao động, với tổng trị giá 179 tỷ đồng).
Thực hiện chương trình “Mái ấm Công đoàn”, năm 2022 LĐLĐ đã xét hỗ trợ, sửa chữa và làm mới 188 căn nhà cho đoàn viên, người lao động khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 7.330.000.000 đồng (trong đó xây dựng mới 161 nhà, tổng số tiền 6,600 tỷ đồng; sửa chữa 27 nhà với số tiền 730 triệu đồng), góp phần tạo thêm niềm tin, sự gắn bó của đội ngũ đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn.
Đẩy mạnh "Chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động”, Công đoàn các cấp ký thỏa thuận với nội dung cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với chất lượng tốt, được chứng nhận bởi các cơ quan chức năng, giá thành ưu đãi so với thị trường cho đoàn viên và người lao động. Theo tổng hợp Công đoàn các cấp đã ký kết 173 thỏa thuận hợp tác với đối tác mới, có 71.432 người được thụ hưởng từ “Chương trình” với số tiền được hưởng thụ ưu đãi trên 8,756 tỷ đồng.
Nhiều hoạt động xã hội được Ban Nữ công Công đoàn các cấp vận động nữ CNVCLĐ hưởng ứng và tích cực tham gia như: ủng hộ quỹ “vì người nghèo”, quỹ “đền ơn đáp nghĩa”, quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi... Tiếp tục phát động CNVCLĐ đóng góp xây dựng quỹ “Mái ấm Công đoàn”.
Chỉ đạo các cấp CĐ duy trì hoạt động quỹ trợ giúp, quỹ nữ CNLĐ nghèo. LĐLĐ tỉnh vẫn duy trì nguồn quỹ 50.000.000đ, cho CNLĐ vay để chăn nuôi và làm kinh tế gia đình, hàng tháng có thu nhập thêm từ 700.000đ - 1.000.000đ/hộ.
Đồng chí Trịnh Thị Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh trao quà cho nữ đoàn viên, người lao động thuộc LĐLĐ huyện Triệu Sơn
Đẩy mạnh việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho lao động nữ tại các doanh nghiệp. Phối hợp với chính quyền, chuyên môn, người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức, hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại tại nơi làm việc, ký kết thỏa ước lao động tập thể; chủ động tham gia với người sử dụng lao động các phương án xây dựng thang bảng lương, trả lương mới theo quy định. Trong năm 2022, các cấp Công đoàn trong tỉnh tổ chức đối thoại tại nơi làm việc: 14/14 doanh nghiệp (đạt 100% kế hoạch Tổng Liên đoàn); tổ chức đối thoại tại nơi làm việc 516/430 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (đạt 120% kế hoạch); có 65/35 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký mới thỏa ước LĐTT (đạt 185,7% kế hoạch); đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca cao hơn 15.000 đồng ở 143/40 doanh nghiệp (đạt 357,5% kế hoạch); Công tác tư vấn pháp luật, trả lời thắc mắc, kiến nghị của nữ CNVCLĐ về pháp luật lao động, Công đoàn và các chế độ chính sách đối với lao động nữ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, chế độ thai sản, ốm đau, các chế độ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… cho hàng trăm lượt CNVCLĐ. Theo tổng hợp, Công đoàn đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giám sát việc thực hiện chế độ chính sách và BHXH, việc thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở được 259 cuộc, trong đó: 93 cuộc do Công đoàn chủ trì giám sát; 166 cuộc Công đoàn tham gia giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho lao động nữ: chế độ tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, khám sức khỏe định kỳ; chế độ thai sản, nuôi con nhỏ, chế độ gửi trẻ; kiến nghị và giải quyết những trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện đúng quy định của pháp luật về chính sách với lao động nữ.
Triển khai Đề án "Nâng cao chất lượng truyền thông, tư vấn và chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho nữ công nhân lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thuộc LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”. LĐLĐ tỉnh phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Viện khoa học vệ sinh an toàn lao động Việt Nam tư vấn, truyền thông và thăm khám sức khỏe sinh sản cho 230.180 lượt CNLĐ, thăm khám chuyên khoa cho gần 20.550 lượt nữ CNLĐ tại các doanh nghiệp có đông lao động nữ trên địa bàn tỉnh
Truyền thông, tư vấn và khám chuyên khoa cho nữ công nhân lao động tại doanh nghiệp
Các hoạt động chăm lo cho con CNVCLĐ nhân dịp “Tháng hành động vì trẻ em” và “Ngày Gia đình Việt Nam” tiếp tục được LĐLĐ tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai với các nội dung thiết thực. LĐLĐ tỉnh tổ chức thăm và tặng 100 suất quà trị giá 115 triệu đồng cho các cháu con CNVCLĐ bị tật nguyền, mắc bệnh hiểm nghèo và gia đình nữ CNVCLĐ khó khăn trong tỉnh; hỗ trợ 1.257 xuất tã cho đoàn viên, NLĐ có con nhỏ, gia đình khó khăn; LĐLĐ tỉnh, Qũy xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng phối hợp Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã trao tặng 500 cặp phao cứu sinh cho học sinh miền núi có hoàn cảnh khó khăn; Trao phần thưởng cho các con CNVCLĐ đạt giải trong các kỳ thi Quốc gia, Quốc tế năm học 2021-2022, hỗ trợ, trao học bổng cho 448 con đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích cao trong học tập với tổng số tiền 723 triệu đồng; Thăm và hỗ trợ 11 gia đình CNVCLĐ có con bị đuối nước với tổng số tiền 33.000.000; Phối hợp với Qũy xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng, tập đoàn CN -Viễn thông Viettel, chi nhánh Thanh Hóa, trao 30 suất quà, trị giá 30 triệu đồng cho con CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, con CNLĐ có bố, mẹ mất do dịch bệnh Covid-19; Hoàn thiện hồ sơ để mở sổ tiết kiệm cho các cháu mồ côi con đoàn viên CĐ quê ở Thanh Hóa làm việc tại tỉnh Bình Dương bị tử vong do dịch Covid-19 theo Quyết định 3345/QĐ-TLĐ với số tiền 30.000.000đ; Nhân kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ cho 232 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, di chứng với tổng trị giá 700 triệu đồng, trong đó có 175 nữ đoàn viên, người lao động;
Bên cạnh công tác chăm lo bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng cho nữ đoàn viên, CNVCLĐ, Ban Nữ công Công đoàn các cấp thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ đoàn viên, CNVCLĐ để tham mưu đề xuất với BCH Công đoàn có ý kiến, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền đồng cấp quan tâm trong việc bố trí, sắp xếp việc làm phù hợp và cải thiện điều kiện làm việc cho nữ đoàn viên, CNVCLĐ; chú trọng ưu tiên cho chị em đang mang thai và có con nhỏ; trong năm 2022, Ban nữ công Công đoàn các cấp trong tỉnh đã tư vấn cho gần 300 lượt nữ đoàn viên, CNVCLĐ về các chế độ chính sách như ốm đau, thai sản, nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng lao động, hưởng chế độ BHTN, BHYT và các chế độ chính sách khác.
Cùng với chăm lo quyền lợi đoàn viên, người lao động, thời gian qua, các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nữ CNVCLĐ về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như Bộ luật Lao động, các văn bản luật có liên quan đến lao động nữ, giáo dục về giới, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ; về công tác gia đình, trẻ em, dân số sức khỏe sinh sản, chính sách lao động nữ... với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng và phong phú. Trong năm 2022, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 98 buổi tuyên truyền, tư vấn về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho hơn 20.385 lượt nữ CNLĐ; cấp phát 7.550 bộ tài liệu; 4.600 cuốn sổ tay pháp luật lao động, bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản cho nữ CNLĐ; cấp phát 80.030 tờ gấp tuyên truyền Bộ Luật Lao động năm 2019; Tổ chức 53 lớp tập huấn về kiến thức pháp luật và các chế độ chính sách liên quan đến lao động nữ, về Bộ luật năm 2019.
Bên cạnh chăm lo đời sống vật chất, đảm bảo các chế độ, chính sách, công tác chăm lo đời sống tinh thần cho lao động nữ được đặc biệt chú trọng. LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn dành nhiều hoạt động hướng đến lao động nữ, đặc biệt là các hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10... cùng với nhiều hoạt động như: Tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề; gặp mặt nữ CNVCLĐ ở cơ sở; Hội thi tìm hiểu pháp luật, chính sách về lao động nữ, tìm hiểu về giới, bình đẳng giới, SKSS, dân số - KHHGĐ; xây dựng các video tuyên truyền với nội dung tư vấn, chăm sóc, sức khỏe sinh sản cho nữ CNLĐ trong các doanh nghiệp; tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ nữ CNVCLĐ với các chủ đề: “Tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình”; “Nữ công nhân, viên chức, lao động với hiểu biết về pháp luật”…; Sinh hoạt Câu lạc bộ nữ CNLĐ khối sản xuất kinh doanh hình thức hội thi với các chủ đề “Tìm hiểu kiến thức về chính sách, pháp luật, về dân số, sức khỏe sinh sản đối với lao động nữ...thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ tham gia sinh hoạt.
Phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và thực hiện "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" được nữ đoàn viên, CNVCLĐ tích cực tham gia, hưởng ứng. Các phong trào thi đua trong nữ đoàn viên, CNVCLĐ đã trở thành động lực thúc đẩy chị em phát huy tài năng, trí tuệ, tích cực thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hàng năm có 90% chị em đăng ký tham gia phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", trên 70% đạt danh hiệu. Qua các phong trào thi đua, có 7.090 lượt nữ CC,VC,LĐ đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở, 58 chị đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, ngành, TW, Tổng LĐLĐ Việt Nam; có 9.504 nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, LĐLĐ tỉnh đã tặng Bằng khen cho 40 tập thể, 50 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; Có 38.856 sáng kiến, kinh nghiệm, 73 bằng Lao động sáng tạo, trong đó có gần 10.800 lượt chị có sáng kiến, kinh nghiệm áp dụng có hiệu quả trong lao động sản xuất, học tập và công tác làm lợi hàng chục tỷ đồng. 273 cá nhân có thành tích xuất sắc đã được nhận Cờ thi đua, Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh (trong đó nữ CNVCLĐ là 200 người). Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo cho 25 cá nhân (trong đó nữ CNVCLĐ là 06 người); tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn cho 315 cán bộ Công đoàn, lãnh đạo quản lý các cấp, trong đó có 15 đồng chí là nữ cán bộ lãnh đạo quản lý.
Với những kết quả đạt được, cùng với những thời cơ và thách thức đối với tổ chức Công đoàn khi Việt Nam đã và đang hội nhập sâu với các hiệp định thương mại thế hệ mới trong bối cảnh mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến không chỉ ở tầm quốc gia mà ngay tại trong doanh nghiệp và chính bản thân mỗi người lao động, đòi hỏi các cấp Công đoàn trong tỉnh nói chung, hoạt động Nữ công nói riêng cần có nhiều đổi mới, theo kịp với xu hướng phát triển, tham mưu kịp thời cho Công đoàn các cấp cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ mang tính giải pháp như sau:
- Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nữ CNVCLĐ, nhất là lao động nữ trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Có giải pháp kịp thời thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Công đoàn, gắn cách làm cụ thể trong từng chức năng hoạt động, công việc cụ thể.
- Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ; tập trung vào chế độ tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, khám sức khỏe định kỳ, chế độ thai sản, nuôi con nhỏ, hỗ trợ chi phí gửi trẻ và con CNLĐ Khu công nghiệp theo quy định. Huy động tốt các nguồn lực hỗ trợ nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập.
- Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tạo sự chia sẻ và dám chia sẻ của nữ đoàn viên CNVCLĐ đối với cán bộ Công đoàn. Tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giúp nữ đoàn viên, CNVCLĐ có ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển.
Đỗ Thúy Hà - Ban Tuyên giáo - Nữ công