Số phận những người bước ra từ bùn đất bên bờ sông Mã
Là tiểu thuyết được đánh giá cao và vượt qua vòng Chung khảo Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn, tác phẩm Đôi bờ sông Mã chứa đựng tâm tư của tác giả Viên Lan Anh khi viết về công nhân, đặc biệt là thân phận người phụ nữ sống bên bờ sông Mã.
Tranh minh họa của Thùy Anh
Tiểu thuyết Đôi bờ sông Mã kể về câu chuyện xảy ra ở hai bên bờ sông Mã: Đó là hình ảnh những người phụ nữ nông thôn sau chiến tranh, lại phải đấu tranh với số phận để có được tình yêu và công việc, sự nghiệp.
Họ chiến đấu khốc liệt để vượt qua lũy tre làng, vượt qua những rào cản về giới để được đi làm công nhân, đem lại thu nhập bằng nghề may.
Cùng với đó là hình ảnh người thương binh trở về từ chiến trường, dù mất đi tình yêu, anh vẫn bị tình cảm năm xưa ám ảnh. Đứng trước đói nghèo, cảnh cơ cực của người thân trong gia đình và xung quanh, anh quyết chí làm giàu, từng bước gây dựng nên sự nghiệp với mong muốn tạo ra nhiều việc làm cho con em nông thôn, để họ không còn chịu cảnh ly hương tìm việc làm.
Mối tình tay ba lãng mạn ngày nào dần được hóa giải để đi đến một cảnh giới mới, cao đẹp hơn.
Trên hành trình gian nan đó, tổ chức Công đoàn đóng vai trò là nơi chia sẻ, bảo đảm công bằng, tiếp thêm cho họ đi đến thành công, biến ước mơ thành sự thực.
Chia sẻ về tiểu thuyết của mình, tác giả Viên Lan Anh cho biết, tiểu thuyết được lấy cảm hứng từ thực tế đất nước sau khi giải phóng.
Đặc biệt, những năm gần đây, việc xây dựng nhà máy từ thành phố, đô thị đến các vùng nông thôn đem lại đời sống tràn đầy hy vọng, đem lại thu nhập ổn định cho người lao động ngay tại quê nhà.
Nhà văn Viên Lan Anh - tác giả tiểu thuyết Đôi bờ sông Mã. Ảnh: Hải Nguyễn
“Các nhân vật Cúc, Định, Châu, Thủy, Tư, Thúy… trong tiểu thuyết Đôi bờ sông Mã là những người từ bùn đất bước ra dòng đời. Mỗi người một tính cách, một số phận, với những khúc ngoặt, những cam go va đập trong đời sống, có khi đối lập nhau bởi mỗi người đi một con đường với khát vọng riêng.
Tuy nhiên, cuối cùng họ cũng đã vun đắp hạnh phúc, gia đình ấm no, và có những đóng góp xây dựng cho quê hương, đất nước và nhân tính cũng dần thắng cái xấu và cái ác để đi đến chân – thiện – mỹ”, tác giả bộc bạch.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, tác giả Viên Lan Anh có độ am hiểu và đủ chất liệu để viết về đề tài người công nhân trong giai đoạn mới.
Sử dụng 2 năm để hoàn thành tác phẩm của mình, cô chia sẻ: “Dòng sông Mã chảy qua đất nước Việt Nam với lưu lượng lớn, đời sống nhân dân 2 bên bờ sông vô cùng đa dạng. Trong đó, tôi chọn mô tả cuộc sống của người nông dân, công nhân và bộ đội để gắn với chủ đề công nhân, công đoàn.
Tiểu thuyết dựa trên câu chuyện của những nhân vật có thực ngoài đời. Đó là anh bộ đội Thanh Hóa trở về sau chiến tranh. Anh về cùng chiếc balo và lời hứa với những người bạn đã khuất ngoài chiến trường rằng sẽ xây dựng quê hương, giúp con em các bạn có công ăn việc làm. Và đến hôm nay, anh ấy đã thực sự làm được điều đó, trở thành một doanh nhân rất thành công.
Các nhân vật nữ công nhân, tổ chức công đoàn, cô chủ tịch… cũng đều là những nhân vật có thật. Những tình huống, câu chuyện mà họ trải qua trong cuộc sống rất hay, xúc động và ý nghĩa”.
Qua tác phẩm của mình, tác giả muốn gửi gắm câu chuyện về sự đấu tranh, giành vị thế của người phụ nữ trong xã hội mới.
“Người phụ nữ làm công nhân, muốn có vị thế trong gia đình, xã hội thì trước hết phải vượt qua nghịch cảnh của chính mình, bằng chính đôi chân của mình.
Lúc bấy giờ, họ còn có công đoàn để tựa vào, để giải quyết những mâu thuẫn, để vượt qua những ngáng trở để có tiếng nói trong gia đình, xã hội. Chính bởi tiếng nói đó mới có được hôn nhân hạnh phúc, không bị chồng và gia đình chồng coi thường”, nữ nhà văn chia sẻ.
Là tác giả, đồng thời giữ chức Chi hội trưởng Chi hội nhà văn Việt Nam tại Thanh Hóa, nhà văn Viên Lan Anh đánh giá cao ý nghĩa của Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, Báo Lao động phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Nữ nhà văn nhận xét: “Tôi cho rằng cuộc thi là vô cùng cần thiết. Hy vọng tới đây, cuộc thi sẽ có sự tiếp nối để tôn vinh người công nhân, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ mới”.
Nguồn: Laodong.vn