Hiệu quả từ mô hình nuôi ong lấy mật của Công đoàn cơ sở xã Bình Lương huyện Như Xuân
Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ việc nuôi ong lấy mật, đoàn viên công đoàn xã Bình Lương huyện Như Xuân đã nhân rộng mô hình này. Với chi phí đầu tư thấp, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, phong trào nuôi ong lấy mật đoàn viên công đoàn xã này đã trở thành hướng đi mới. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Mô hình nuôi Ong lấy mật của Công đoàn xã Bình Lương, huyện Như Xuân
Những năm trước đây, nhiều hộ gia đình ở xã Bình Lương huyện Như Xuân chỉ bắt ong mật ngoài tự nhiên về nuôi chơi. Tuy nhiên, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ con ong mật mang lại là khá lớn nên cán bộ, đoàn viên công đoàn xã Bình Lương đã áp dụng chặt chẽ quy trình nuôi ong an toàn từ nguồn thức ăn tự nhiên, không sử dụng thuốc kháng sinh, đàn ong của công đoàn xã phát triển ổn định, ít bị bệnh, số lượng đàn không ngừng tăng lên. Từ gần 20 đàn ong khi mới thành lập, đến nay, Công đoàn xã đã có 100 đàn ong, mỗi năm cho thu nhập ước đạt 360 đến 400 kg mật, giá bán ra thị trường 200 nghìn/1kg. Thu nhập mỗi năm khoảng 80 triệu đồng. Nguồn thu này Công đoàn xã làm nguồn Chi cho tổ chức các hoạt động phong trào của công đoàn, thăm hỏi động viên đoàn viên ốm đau, khó khăn, hoạn nạn, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình đoàn viên và các hoạt động từ thiện khác.
Cũng nhờ vậy, hiện nay các mô hình nuôi ong lấy mật của Công đoàn xã Bình Lương huyện Như Xuân đã phát triển tốt tại địa phương với cách nuôi bài bản, khoa học, đầu ra của sản phẩm mật ong khá tốt.
Anh Nguyễn Xuân Quý, đoàn viên Công đoàn xã Bình Lương chia sẻ: “Để xây dựng mô hình nuôi ong Công đoàn, tôi cùng với các đồng chí cán bộ, đoàn viên trong xã đã đi học tập mô hình ở một số địa phương và đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức qua sách báo, internet và hướng dẫn của các chuyên gia trên truyền hình. Qua đó tôi đã biết áp dụng kỹ thuật để tạo ong chúa tơ thay thế những ong chúa già, từ đó nhân rộng tăng số lượng đàn để khai thác mật hiệu quả”.
Ngoài gia đình anh Quý, ở xã thôn Làng Gió, gia đình anh Trịnh Đăng Hoạch, thôn Hợp Thành, xã Bình Lương, huyện Như Xuân cũng là một trong những hộ nuôi ong có tổng đàn khá lớn với 40 đàn. Anh cũng biết áp dụng kỹ thuật để nhân số lượng đàn ong, chăm nuôi bài bản và giúp mô hình của gia đình phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Gia đình anh Hoạch nuôi ong lấy mật khoảng 3 năm nay và từ nuôi ong, gia đình anh có thu nhập mỗi năm khoảng gần 100 triệu đồng, nhờ đó có cuộc sống khấm khá hơn.
Đoàn viên Công đoàn xã Bình Lương, huyện Như Xuân
Sản phẩm mật ong Ocop 3 sao Đức Lương ở xã Bình Lương, huyện Như Xuân
Chủ tịch Công đoàn xã Bình Lương, Nguyễn Văn Hòa cho biết: “từ thành công của Mô hình nuôi ong lấy mật của Công đoàn xã Bình Lương đã mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Quy mô nuôi có thể dễ dàng điều chỉnh linh hoạt theo điều kiện sản xuất của mỗi hộ gia đình. Để nâng cao giá trị sản xuất cho nghề nuôi ong, xã Bình Lương đã thành lập hợp tác xã và sản phẩm mật ong xã Bình Lương đã đạt sản phẩm Ocop 3 sao.
Đồng chí Lê Đức Tuấn – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Bình Lương cho biết: Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi ong lấy mật của Công đoàn xã, vốn đầu tư ít, nhưng mang lại hiệu quả cao, còn tạo công ăn việc làm cho người lao động lúc nông nhàn, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi giới miễn là có sự đam mê về nuôi loài này. Với những hiệu quả ban đầu mang lại, thời gian tới xã Uỷ bân Nhân dân xã Bình Lương phối hợp với Công đoàn cùng với các ngành, các thôn trong xã tiếp tục phát triển, thu hút nhiều người dân tham gia, mở rộng quy mô, tăng thêm số lượng đàn, đưa nghề nuôi ong mật trở thành một hướng đi tiềm năng, giúp đưa kinh tế gia đình của các hộ dân trong xã ngày một phát triển, góp phần xây dựng kinh tế địa phương ngày càng giàu mạnh./.
Đoàn Lưu - LĐLĐ huyện Như Xuân