Đoàn viên Thanh niên tự học tập, nghiên cứu nhằm tham mưu xây dựng giải pháp nâng cao công tác chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động; góp phần thực hiện nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về những giá trị chân, thiện, mĩ, là sự hội tụ tinh hoa văn hoá tư tưởng, đạo đức của dân tộc và nhân loại. Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tinh thần tự học. Người luôn luôn nhắc nhở đồng chí của mình và thế hệ trẻ phải nỗ lực học và tự học. Từ tấm gương tự học của Hồ Chí Minh mỗi đoàn viên chi đoàn luôn ý thức nâng cao kỹ năng tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện và ý chí phấn đấu để biết cách tự điều chỉnh, rèn luyện bản thân cho phù hợp với những điều kiện khách quan trong tình hình mới.
Ảnh: Thảo luận sinh hoạt chuyên đề ‘Đoàn viên thanh niên với việc học tập Nghị quyết Đại hội XX Công đoàn Thanh Hóa gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
Là đoàn viên Đoàn thành niên cộng sản HCM, sinh hoạt tại Chi đoàn Cơ quan LĐLĐ tỉnh và hiện đang công tác tại Công đoàn ngành Giáo dục. Tôi nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, luôn không ngừng học tập, nghiên cứu theo gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại nhằm đóng góp, xây dựng nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng trong công tác tham mưu.
Một trong những chỉ tiêu hiện nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028 là 100% đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật được thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời. Xác định công tác chăm lo đời sống cho Đoàn viên và người lao động (ĐV, NLĐ) là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Công đoàn ngành Giáo dục nói riêng và tổ chức Công đoàn nói chung. Bản thân đã tham mưu với Ban Thường vụ Công đoàn ngành Giáo dục các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động; góp phần thực hiện nghị quyết ĐH Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ 20, nhiệm kỳ 2023-2028.
Gắn với đối tượng Đoàn viên của Công đoàn ngành Giáo dục là Cán bộ, nhà giáo và người lao động (CBNG, NLĐ). Bản thân tôi đã tham mưu các giải pháp như sau:
Thứ nhất, nâng cao vai trò của công đoàn trong việc thực hiện các chế độ, chính sách, hợp đồng lao động cho ĐV, NLĐ, đó là:
Công đoàn cần hướng dẫn, hỗ trợ cho đoàn viên ký kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, trường học theo đúng quy định của pháp luật, để người lao động hiểu được quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ khi thực hiện nhiệm vụ, đồng thời có căn cứ tự bảo vệ bản thân trước pháp luật.
Các Công đoàn cơ sở (CĐCS) chủ động xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, phúc lợi xã hội tại đơn vị đảm bảo đúng, đủ, kịp thời; giám sát việc tham gia đóng BHXH, BHYT, các lợi ích hợp pháp chính đáng liên quan đến CBNG, NLĐ, nhất là tại các đơn vị trường học ngoài công lập.
Tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản dự thảo, điều chỉnh, sửa đổi quy định, điều lệ, bộ luật... của nhà nước liên quan đến các chế độ, chính sách của đoàn viên và người lao động.
Thứ hai, Công đoàn chăm lo lợi ích cho ĐV, NLĐ thông qua việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở:
Công đoàn phối hợp chặt chẽ với chuyên môn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; đảm bảo các hoạt động trong trường học công khai, minh bạch, đúng pháp luật và quy định của ngành. Chủ động lắng nghe tâm tư nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc của CBNG, NLĐ; từ đó tham mưu với chuyên môn trong việc bổ sung, sửa đổi các quy chế, quy định phù hợp với từng cơ quan, đơn vị. Chủ động phối hợp với chuyên môn trong công tác phân công lịch giảng dạy, làm việc phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đoàn viên và người lao động, không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của đơn vị.
Tham gia có trách nhiệm trong việc xây dựng nội quy, quy chế của đơn vị, trường học có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBNG, NLĐ như: nội quy đơn vị, quy chế thi đua, khen thưởng, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng văn hóa công sở, trường lớp...
Tham mưu, đề xuất những giải pháp tích cực nhằm cải thiện môi trường và điều kiện làm việc của CBNG, NLĐ. Nhất là đối tượng giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thứ ba, tập trung nguồn lực chăm lo đời sống vật chất ĐV, NLĐ:
Cân đối nguồn tài chính công đoàn tại đơn vị, đảm bảo tối đa nguồn kinh phí hoạt động công đoàn trong năm cho công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ĐV, NLĐ.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quỹ “Hỗ trợ đoàn viên, công nhân viên chức lao động Công đoàn Thanh Hóa”; nắm rõ quy chế hoạt động và hướng dẫn thực hiện Qũy để rà soát, xét duyệt kịp thời những Đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện đề nghị Qũy hỗ trợ sửa nhà, làm nhà; thăm hỏi tặng quà cho CBNG, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo, khuyến học khuyến tài…
Tổ chức có hiệu quả các hoạt động chăm lo cho CBNG, NLĐ nhân dịp tháng Công nhân, Tết Nguyên đán… như: Trao quà Tháng công nhân, Tết sum vầy, Xuân yêu thương,…
Tiếp tục duy trì triển khai có hiệu quả Chương trình “Chia khó”, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, hình thức quyên góp, hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tập trung hàng năm, “Chia khó” vùng cao cho từ 6 đến 7 đơn vị trường học trên địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa.
Công đoàn phối hợp với chuyên môn và các tổ chức đoàn thể kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ để kịp thời hỗ trợ cho đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong đơn vị. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện do địa phương, ngành và đoàn thể phát động.
Tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các đơn vị bạn để xây dựng nhà công vụ giáo viên, công trình nước sạch, vệ sinh...; thăm hỏi CBNG, NLĐ trong ngành bị ốm đau, bệnh hiểm nghèo.
Làm tốt các chương trình Phúc lợi cho đoàn viên và người lao động. Đẩy mạnh việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa tổ chức Công đoàn với các Doanh nghiệp theo hướng có lợi cho đoàn viên và người lao động. Tranh thủ công tác an sinh xã hội của các Doanh nghiệp ký kết để kêu gọi hỗ trợ cho đơn vị.
Trên đây là một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác chăm lo cho ĐV, NLĐ tại đơn vị mà bản thân đã tham mưu, được Ban Thường vụ Công đoàn ngành Giáo dục đánh giá cao và triển khai đến toàn thể CBNG, NLĐ trong ngành thông qua chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 184 ngày 04/08/2023 của Công đoàn ngành giáo dục về đẩy mạnh công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động ngành Giáo dục Thanh Hóa.
Để thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028 thì các cấp công đoàn cần phải đề ra nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ và phù hợp với đơn vị mình, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội đã đề ra trong nhiệm kỳ.
Mỗi đoàn viên thanh niên cần tự giác học tập, nghiên cứu, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ để có thể tham mưu trúng, tham mưu đúng và tham mưu kịp thời, đặt mục tiêu vì quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì tổ chức Công đoàn. Thiết nghĩ đó chính là cách để mỗi đoàn viên thanh niên chúng ta tiếp tục học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thị Huyền – Chi đoàn CQ LĐLĐ Tỉnh