Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 6

    Hôm nay: 638

    Đã truy cập: 2358289

Vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tham gia và bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội

Công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động, có chức năng chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được khẳng định tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013 và tại Điều 10 của Luật Công đoàn qui định cụ thể 10 nội dung Công đoàn phải thực hiện để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho Người lao động.

Trên cơ sở của Hiến pháp và Luật Công đoàn, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) qui định vai trò của Công đoàn tại điểm 1 Điều 13 gồm 5 nội dung cần thực hiện để bảo vệ quyền lợi cho lao động trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội.

Hội thảo góp ý Luật BHXH

Đồng chí Trịnh Thị Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa tham gia ý kiến góp ý

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đã qui định rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, trách nhiệm của Công đoàn với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Có thể khẳng định, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho lao động nói chung và lao động nữ nói riêng là chức năng cốt lõi của tổ chức Công đoàn, trong đó có nội dung chấp hành chế độ, chính sách về BHXH. Qua thực tiễn triển khai thực hiện Luật BHXH đã ban hành năm 2014, các cấp Công đoàn tỉnh Thanh Hóa luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nên đã tổ chức thực hiện nghiêm túc từ việc nghiên cứu Luật BHXH đến việc thực thi pháp luật BHXH và tập trung giải quyết các vấn đề phát sinh. Qua 10 năm thực hiện Luật BHXH đã có những bất cập, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo sửa đổi để trình Quốc hội xem xét; Thanh hóa là đơn vị có đông công nhân lao động vì vậy LĐLĐ tỉnh rất quan tâm đến dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này, nhất là vai trò của Công đoàn trong dự thảo Luật BHXH.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện nay, có trên 34 nghìn lao động, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 70%. Tỷ lệ lao động nữ làm việc nhiều nhất là trong các công ty  giầy da, may mặc, các Trường Mần non, Tiểu học, THCS, vì vậy các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến lực lượng lao động nữ; Dự thảo Luật BHXH cũng rất quan tâm đến lao động nữ. Trong dự thảo Luật có 133 Điều, trong đó có trên 30 Điều qui định riêng về chế độ ốm đau, chế độ thai sản, trợ cấp thai sản...thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành, ban soạn thảo khi ban hành chính sách BHXH đối với lao động nữ. Qua nắm bắt tình hình cho thấy, lao động nữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa rất trân trọng các chính sách đặc thù dành cho giới. Để Luật BHXH sau khi ban hành đi vào cuộc sống, Công đoàn cần thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, linh hoạt Luật BHXH với một số nội dung sau:

Một là, cần tập trung nghiên cứu sâu qui định của Luật BHXH, các văn bản liên quan và lắng nghe, nắm bắt, tổng hợp những vấn đề bất cập trong việc thực hiện chính sách BHXH, phối hợp với các cơ quan chức năng kiến nghị, đề xuất sửa đổi Luật BHXH cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của NLĐ, trong đó có lao động nữ. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhằm hoàn thiện thể chế, khi thực hiện sẽ tác động đến nhiều đối tượng, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự ở đơn vị, địa phương. Vì vậy LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa rất coi trọng việc tổ chức thực hiện.

Liên đoàn lao động Thanh Hoá đã tổ chức hội thảo góp ý vào các qui định của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Tại Hội thảo đã mời các chuyên gia, các sở ngành, đại diện các doanh nghiệp, NLĐ, Công đoàn các cấp trong tỉnh tham gia góp ý nhằm hoàn hiện các qui định của Luật BHXH một cách tốt nhất, tránh được những bất cập khi triển khai thực thi Luật BHXH. Hội thảo đã có nhiều ý kiến tham gia góp ý vào nội dung trong dự thảo Luật, nhiều nội dung đã được Ban soạn thảo tiếp thu sửa đổi; Chúng tôi tiếp tục đề xuất Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thêm nội dung tại Điều 53 qui định thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai sản tối đa được nghỉ 5 lần, theo tôi nên qui định tối đa là 9 lần, những trường hợp bị bệnh lý khi mang thai thì không nên qui định mức tối đa vì những trường hợp này số lượng không nhiều. Điều 54 qui định thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi sẩy thai, phá thai.., nên bổ sung các trường hợp phá thai để thực hiện kế hoạch hóa gia đình vẫn được hưởng chế độ phá thai; tại Điều 55 qui định thời gian nghỉ chế độ khi sinh con nên tăng thêm là 15 ngày làm việc; 15 ngày khi vợ phải phẩu thuật; 1 tháng khi vợ phải phẩu thuật và sinh đôi vì nhiều lao động trong khu công nghiệp đi làm ăn xa, không có gia đình hỗ trợ...

Hai là, khi luật và các nghị định hướng dẫn được ban hành, Công đoàn phải nghiên cứu nắm chắc các qui định của luật tuyên truyền vận động đoàn viên, NLĐ, nhất là lao động nữ; chủ doanh nghiệp nắm vững các qui định của pháp luật về lao động, nhất là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người lao động; của doanh nghiệp trong lĩnh vực BHXH để người lao động thực hiện ký hợp đồng lao động, chủ động bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Công tác tuyền truyền, tư vấn pháp luật được triển khai phong phú đa dạng, hiệu quả. Đặc biệt, Công đoàn đại diện cho người lao động trong việc đối thoại, thương lượng ký Thoả ước lao động tập thể, nội dung thoả ước lao động không được trái với qui định pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với qui định của pháp luật, có  nhiều nội dung cao hơn so với qui định của Luật BHXH, Luật Lao động. Thoả ước lao động tập thể Là cơ sở quan trọng nhất để bảo vệ người lao động. Trên thực tế nhiều nội dung chúng ta đã đưa vào thỏa ước lao động cao hơn như Bà mẹ mang thai 7 tháng trở lên đã được chuyển việc nhẹ, trách độc hại, làm 7 giờ/ngày nhưng vẫn hưởng lương 8 giờ/ngày...Một số nội dung luật không qui định nhưng vẫn đưa vào thỏa ước lao động tập thể như thời gian được tham gia sinh hoạt chuyên đề do Ban chấp hành công đoàn, Câu lạc bộ bà bầu và nuôi con nhỏ tổ chức sinh hoạt chuyên đề về giwos, chia sẽ kinh nghiệm liên quan đến mang thai và nuôi con nhỏ, chăm sóc sức khỏe sinh sản...

Ba là, phối hợp với các ngành chức năng tham gia thanh tra, kiểm tra; chủ động xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động, trong đó tập trung vào việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, nhất là các chế độ chính sách đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp có đông công nhân lao động. Qua giám sát, Chúng tôi nhận thấy, người sử dụng lao động đã quan tâm thực hiện đúng qui định pháp luật, có một số chế độ hơn so với qui định của pháp luật. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp chậm đóng BHXH, có dấu hiệu chây ỳ đóng tiền BHXH; làm thủ tục thanh toán chưa kịp thời hoặc đã thanh toán với BHXH nhưng lại chậm chi trả cho người lao động. Vì vậy, các cấp Công đoàn phải chủ động làm việc với BHXH các cấp, lãnh đạo công ty yêu cầu chi trả đúng, đủ kịp thời cho người lao động.

Bốn là, Các cấp Công đoàn hướng dẫn công đoàn cơ sở và người lao động khởi kiện ra tòa đối với trường hợp nợ đọng và chiếm dụng BHXH; đề nghị Công an khởi tố hình sự đối với đơn vị chây ỳ, chiếm dụng tiền Bảo hiểm xã hội của người lao động.

Năm là, kiến nghị đề xuất với Ban soạn thảo Luật BHXH và các cơ quan chức năng: Sửa đổi các qui định pháp luật liên quan đến qui định Công đoàn khởi kiện các đơn vị chây ỳ, chiếm dụng BHXH của người lao động. Hiện nay luật qui định Công đoàn cơ sở được khởi kiện ra tòa khi đa số người lao động ủy quyền, nếu qui định như vậy thì không thực thi được vì vậy mà sửa lại đối tượng được quyền khởi kiện là Công đoàn cấp trên cơ sở và đương nhiện Công đoàn là người đại diện cho người lao động mà không cần ký xác nhận ủy quyền. Đồng thời Qui định rõ, cụ thể trách của BHXH đối với người lao động khi công ty chây ỳ, trốn đóng BHXH, phá sản không còn khả năng đóng Bảo hiểm xã hội. Đây là nội dung mà người lao động quan tâm nhất, là nút thắt cần được giải quyết thỏa đáng khi Luật BHXH ban hành.

                      Trịnh Thị Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa