Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 21

    Hôm nay: 2096

    Đã truy cập: 2228118

Vai trò của tổ chức Công đoàn trong phát huy dân chủ ở cơ sở

Xây dựng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội ở mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Thông qua việc thực hiện QCDC ở cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy được vai trò tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh; chủ động, tích cực trong xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Mỗi cơ quan, đơn vị đều mong muốn “ổn định và phát triển”, muốn vậy thì trong cơ quan, đơn vị phải “đoàn kết nhất trí” nghĩa là tất cả cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ phải đồng sức, đồng lòng vì cơ quan, đơn vị. Để thực hiện được điều này, quyền lợi của NLĐ phải được đảm bảo, bởi khi cá nhân đã làm hết sức mình vì lợi ích chung, thì quyền lợi của họ phải được bảo đảm. Đối với NLĐ bao giờ cũng quan tâm đến lợi ích chính đáng mà họ mong muốn được hưởng, đó là môi trường làm việc, thu nhập, được học tập nâng cao trình độ và cơ hội thăng tiến...Người lao động muốn biết lợi ích của mình có được đảm bảo hay không, điều đầu tiên họ phải được biết, được bàn, được làm…nghĩa là mọi hoạt động của đơn vị phải “công khai, dân chủ, minh bạch”. Các hình thức để thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, đó là thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân; thông qua kiểm điểm công tác, tự phê bình và phê bình trong các cuộc họp định kỳ của cơ quan, đơn vị; thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị; lãnh đạo công đoàn tham gia hội đồng cùng cấp liên quan đến quyền, lợi ích của NLĐ; công đoàn cơ sở (CĐCS) tổ chức đối thoại tại đơn vị, doanh nghiệp…

Trên cơ sở kế hoạch của LĐLĐ tỉnh và của Huyện ủy, Liên đoàn Lao động huyện chủ động xây dựng kế hoạch cấp mình và hướng dẫn Công đoàn cơ sở thực hiện đảm bảo các nguyên tắc của Công đoàn Việt Nam đó là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, liên hệ mật thiết với người lao động (NLĐ), bảo đảm tính tự nguyện của NLĐ và tập trung dân chủ. Đồng thời hoạt động công đoàn đảm bảo phát huy 3 chức năng chính: 

Một là, đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ

Hai là, tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. 

Ba làtuyên truyền vận động, giáo dục NLĐ học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp...

Trong 3 chức năng trên, việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên công đoàn, NLĐ là trọng tâm và cũng là mục tiêu hoạt động xuyên suốt của tổ chức công đoàn

LĐLĐ huyện đã chỉ đạo, triển khai đến các Công đoàn cơ sở, Công đoàn trực thuộc và 100% cán bộ Công đoàn chủ chốt, phối hợp với các cơ quan chức năng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuyên truyền đến CNVCLĐ về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn của Liên đoàn Lao động tỉnh trong tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở.

Kết quả hằng năm, có 06/06 cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, 43 Công đoàn khối trường học tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (đạt 100%), có 02/02 đơn vị doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đã tổ chức được hội nghị NLĐ đạt 100%.  Hội nghị là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đưa ý kiến đóng góp vào các hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp có liên quan đến quyền lợi như tham gia đề xuất các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, cải tiến lề lối, tác phong làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Thông qua đối thoại, người sử dụng lao động và người lao động đã chia sẻ và giải quyết được những khó khăn, vướng mắc tại đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình chỉ đạo các cấp Công đoàn tham gia thực hiện QCDC ở cơ sở vẫn còn một số mặt còn hạn chế như việc triển khai thực hiện QCDC trong hoạt động của một số cơ quan, doanh nghiệp còn mang tính hình thức; một số cán bộ Công đoàn còn ngại va chạm, chưa mạnh dạn và thiếu chủ động phối hợp trong giám sát việc thực hiện QCDC, trong tổ chức hội nghị người lao động còn nhiều hạn chế, trong quá trình tổ chức Hội nghị còn chưa bám sát nội dung hướng dẫn của Công đoàn cấp trên.

Sự phối hợp giữa Thủ trưởng cơ quan, đơn vị với Ban Chấp hành Công đoàn chưa thực sự thống nhất, việc tổ chức Hội nghị ở một số đơn vị chưa chuẩn bị tốt các nội dung; Công đoàn còn chưa thể được vai trò của mình trong xây dựng quy chế chi tiêu của cơ quan, đơn vị.

Từ thực tiễn hoạt động để phát vai trò của tổ chức Công đoàn trong thực hiện QCDC ở cơ sở cần thực hiện có hiệu một số giải pháp đó là:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai sâu rộng Nghị định 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/1/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Hai là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ CĐCS để nâng cao khả năng tư vấn pháp luật, khả năng tuyên truyền, đàm phán, thương lượng, phối hợp giải quyết các khiếu nại, đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, CNVCLĐ tại cơ sở không để xảy ra tranh chấp lao động kéo dài và đông người; kiến nghị với chủ sử dụng lao động và các cơ quan chức năng phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan đến đoàn viên, CNVCLĐ. Công đoàn cấp trên hỗ trợ CĐCS vận dụng thực hiện tốt các hình thức dân chủ ở cơ sở như tư vấn, hỗ trợ CĐCS trong quá trình tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, chú trọng đối thoại đột xuất để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động; tập trung thương lượng, ký kết và triển khai thực hiện thỏa ước lao động tập thể; sử dụng hệ thống thông tin nội bộ, hộp thư góp ý.

Ba là, Công đoàn cần chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp đôn đốc các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức hội nghị CBCCVC, hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc. Tham mưu cho Ban chỉ đạo thực hiện QCDC và phối hợp chính quyền đồng cấp tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thực hiện QCDC tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động Ban Thanh tra Nhân dân trong các cơ quan, đơn vị./.

Hà Văn Mới- Chủ tịch LĐLĐ huyện Quan Sơn

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa