Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 14

    Hôm nay: 2783

    Đã truy cập: 2330094

Nâng cao chất lượng công tác tiếp đoàn viên, công nhân viên chức lao động và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong tổ chức Công đoàn

Tiếp đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động là nhiệm vụ quan trọng của các cấp Công đoàn. Là hoạt động nhằm hiện thực hóa quyền dân chủ của đoàn viên, CNVCLĐ, là sự cụ thể hóa quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận những vấn đề chung của Nhà nước và xã hội, phát huy vai trò to lớn của đoàn viên, CNVCLĐ nói riêng và toàn thể quần chúng nhân dân nói chung trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đây là biểu hiện sinh động, phản ánh bản chất dân chủ của Nhà nước ta, nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Xuất phát từ vị trí quan trọng đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, văn bản pháp luật về công tác tiếp công dân như: Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo năm 2018; Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng kế hoạch số 83/KH-LĐLĐ, ngày 22/12/2014 thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 51/KH-LĐLĐ, ngày 09/5/2019 về việc tổ chức triển khai học tập, quán triệt Chỉ thị số 27 đến đội ngũ cán bộ chủ chốt Công đoàn trong toàn tỉnh và báo cáo viên của LĐLĐ tỉnh. Đặc biệt, từ khi Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014; Quyết định số 333/QĐ-TLĐ ngày 28/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành quy định Công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định của Tỉnh ủy, Ủy Ban nhân dân tỉnh về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo… đã tạo ra hành lang pháp lý khá đồng bộ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân nói chung, tiếp đoàn, CNVCLĐ nói riêng; xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo thực hiện nhiệm vụ được giao một các thống nhất.

Đoàn công tác LĐLĐ tỉnh làm việc tại Công ty TNHH AKLIA - huyện Như Thanh

Trong những năm qua, công tác tiếp đoàn viên, CNVCLĐ và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ chức Công đoàn luôn được các cấp Công đoàn trong tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện một các nghiêm túc, có hiệu quả. Theo báo cáo của các cấp công đoàn, có 35/35 các Công đoàn ngành; Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, thành phố; công đoàn cơ sở trực thuộc xây dựng được lịch tiếp đoàn viên, CNVCLĐ niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị và triển khai đến các cấp Công đoàn trực thuộc thực hiện. Đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ chức Công đoàn thường tập trung phản ánh một số nội dung liên quan đến cán bộ Công đoàn vi phạm Điều lệ, Nghị quyết và các quy định của Công đoàn, công tác thi đua khen thưởng, việc công khai tài chính Công đoàn... qua theo dõi, các đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Công đoàn đã được Ủy ban kiểm tra Công đoàn các cấp tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận và đề nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn cùng cấp xem xét, giải quyết theo quy định của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Kết quả, trong 5 năm qua (2016 - 2020) các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tiếp 4.112 lượt đoàn viên, người lao động và nhận 1.443 đơn khiếu nại, tố cáo (91 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Công đoàn các cấp và 1.352 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động, Công đoàn tham gia giải quyết). Trong đó, Ủy ban kiểm tra Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp 568 lượt đoàn viên, CNVCLĐ, nhận 89 đơn khiếu nại, tố cáo (04 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Công đoàn); các Công đoàn ngành, LĐLĐ huyện, thị xã thành phố tiếp 1.452 lượt đoàn viên, CNVCLĐ, nhận 242 đơn (12 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Công đoàn); CĐCS tiếp 2.092 lượt đoàn viên, CNVCLĐ và nhận 1.112 đơn (75 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Công đoàn). Những kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, CNVCLĐ thường tập trung vào một số nội dung liên quan đến việc thực hiện chế độ tiền lương, nâng bậc lương, chế độ BHXH, BHYT, BHTN; về hợp đồng lao động; quản lý tài chính, tài sản Công đoàn; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bố trí việc làm, thai sản, ốm đau, nghỉ dưỡng sức, chế độ tai nạn lao động; chế độ, chính sách do tác động đại dịch Covid-19 và các chế độ chính sách khác...  đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Công đoàn đã được Ủy ban kiểm tra Công đoàn các cấp tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận và đề nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn cùng cấp xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Nhà nước và người sử dụng lao động đã được Công đoàn các cấp chủ động phối hợp tham gia giải quyết với nhiều hình thức như chuyển đơn, tổ chức các buổi làm việc để thương lượng, hòa giải, đối thoại, kiến nghị giải quyết và giám sát việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, CNVCLĐ.

Tuy nhiên, công tác tiếp đoàn viên, CNVCLĐ; giải quyết và tham gia khiếu nại, tố cáo trong hệ thống tổ chức Công đoàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, đó là: Một số ít Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác tiếp đoàn viên, CNVCLĐ. Việc tiếp đoàn viên, người lao động đôi khi còn hình thức, chưa phát huy được hiệu quả, chưa thực sự lắng nghe, nắm bắt được nguyện vọng, mong muốn của đoàn viên, người lao động. Một số đơn vị chưa gắn công tác tiếp đoàn viên, CNVCLĐ với giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc phối hợp với cơ quan chức năng, người sử dụng lao động để tham gia giải quyết đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ có lúc, có nơi chưa kịp thời. Việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động ở một số doanh nghiệp như: Chế độ ốm đau, thai sản, chế độ nghỉ dưỡng sức... còn chậm; việc chấm dứt hợp đồng chưa đúng quy định, có đơn vị do nợ đọng BHXH kéo dài nên người lao động khi nghỉ chế độ hưu trí không chốt được sổ BHXH dẫn đến đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tiếp đoàn viên, CNVCLĐ; giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, người lao động, các cấp Công đoàn cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật tiếp công dân năm 2013; Quyết định số 333/QĐ-TLĐ ngày 28/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành quy định Công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn các cấp trong công tác tiếp đoàn viên, CNVCLĐ; nâng cao vai trò của người đứng đầu Công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cơ sở trong việc giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, CNVCLĐ.

Thứ hai, các cấp Công đoàn trong tỉnh cần thực hiện nghiêm túc việc tiếp đoàn viên, CNVCLĐ; xây dựng và thông báo lịch tiếp đoàn viên, CNVCLĐ đến các cấp Công đoàn trực thuộc triển khai thực hiện. Bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đảm nhiệm công tác tiếp đoàn viên, CNVCLĐ. Khi xảy ra khiếu kiện đông người, Công đoàn các cấp phải tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng, người sử dụng lao động có biện pháp giải quyết kịp thời, dứt điểm, không để kéo dài, tái khiếu kiện.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là pháp luật về khiếu nại, tố cáo, Bộ luật Lao động cũng như Chỉ thị, Nghị quyết, quy định của tổ chức Công đoàn đến từng đoàn viên, CNVCLĐ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm giúp đoàn viên, người lao động hiểu rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của mình nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác tiếp đoàn viên, CNVCLĐ, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ tư, thường xuyên quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, về kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác tiếp đoàn viên, CNVCLĐ; giải quyết và tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp lao động cho đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, nhất là CĐCS khối doanh nghiệp.

          Thứ năm, các cấp Công đoàn cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp đoàn viên, CNVCLĐ, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa cơ quan chức năng Nhà nước và người sử dụng lao động trong công tác tiếp đoàn viên, CNVCLĐ. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí phục vụ công tác tiếp đoàn viên, CNVCLĐ, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

                                                                        Nguyễn Thi Nga - Phó Chủ nhiệm UBKT - LĐLĐ tỉnh

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa