Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 14

    Hôm nay: 777

    Đã truy cập: 2310767

Nâng cao chất lượng trong công tác đánh giá cán bộ Công đoàn chuyên trách Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa

Đánh giá cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ, là khâu tiền đề, là cơ sở để lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và thực hiện chính sách cán bộ. Đánh giá đúng sẽ phát huy được khả năng của từng cán bộ và đội ngũ cán bộ; ngược lại, đánh giá không đúng sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sai, ảnh hưởng không tốt cho cơ quan, đơn vị. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề đánh giá cán bộ, Người cho rằng, để nhận xét được cán bộ tốt thì Đảng phải thường xuyên thực hành đánh giá cán bộ và phải có phương pháp đánh giá đúng. “Kinh nghiệm cho ta biết: mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hoá cũng lòi ra”.

Khoản 1 Điều 4 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.

Công tác cán bộ có nhiều khâu, trong đó đánh giá cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến tất cả các khâu của công tác cán bộ, thực hiện khâu nào trong công tác cán bộ đều phải nhận xét, đánh giá cán bộ. Thực tế cho thấy, đánh giá đúng sẽ là cơ sở tốt cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, thực hiện chính sách cán bộ… chính xác, phù hợp, giúp phát huy được điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của người cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Điều này sẽ tốt cho hoạt động của cả bộ máy tổ chức, trong đó mỗi mắt xích đều phát huy tối đa năng lực của mình nhằm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, đánh giá đúng còn tạo ra cơ chế kích thích sự phấn đấu tiến bộ của mỗi cá nhân trong đơn vị, tập thể, tăng cường đoàn kết nội bộ. Ngược lại, đánh giá sai sẽ dẫn đến hàng loạt các khâu khác của công tác cán bộ thiếu chính xác, gây nên những hệ lụy tiêu cực đối với tập thể, đơn vị; bản thân người được đánh giá không đúng thực chất có thể hoặc sinh ra chủ quan, tự cao, tự đại hoặc trái lại trở nên tự ti, nhụt chí phấn đấu, làm cho tổ chức mất đi những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tốt.

Nhận thức việc đánh giá, phân loại cán bộ là hết sức quan trọng, hàng đầu trong các khâu công tác cán bộ, căn cứ Luật cán bộ, công chức ngày 13/11/2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và luật viên chức ngày 25/11/2019; Nghị định 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 22/HD-LĐLĐ ngày 8/12/2020 của về việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh.

Hướng dẫn được căn cứ trên cơ sở tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ, bao gồm: 1. Chính trị, tư tưởng; 2. Đạo đức, lối sống; 3. Tác phong, lề lối làm việc; 4. Ý thức tổ chức kỷ luật; 5. Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Tiêu chí xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh ở 04 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Hướng dẫn cũng quy định rõ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị Công đoàn các cấp trong tỉnh.

Hằng năm, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tới các ban, cơ quan, đơn vị trong hệ thống Công đoàn các cấp thực hiện đánh giá, phân loại chất lượng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo từng năm công tác; đảm bảo đúng thẩm quyền, khách quan, dân chủ, công bằng, chính xác; không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng phải căn cứ vào Nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức tại Điều 8, 9, 10 Luật Cán bộ, công chức. Đối với viên chức thực hiện theo Điều 16, 17, 18, 19 Luật Viên chức; Nhiệm vụ được cơ quan, đơn vị phân công; Đối với người lao động căn cứ vào cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết. Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng  cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được sử dụng làm cơ sở để liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên, là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ.

Có thể khẳng định rằng việc đánh giá cán bộ Công đoàn chuyên trách các cấp trong tỉnh đã có nhiều đổi mới, bảo đảm hiệu quả, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định; từng bước hạn chế và khắc phục những biểu hiện ngại va chạm, nể nang, né tránh. Kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngày càng chặt chẽ, khách quan, đi vào thực chất, tránh hình thức; đánh giá, xếp loại hằng năm thực chất hơn, sát với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cấp Công đoàn hằng năm đã có tác dụng, hiệu quả thiết thực; đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên trách các cấp trong tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, chất lượng, hiệu quả công việc từng bước được nâng lên rõ rệt; không khí, tinh thần dân chủ được mở rộng, sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ cơ quan, đơn vị được tăng cường hơn. Kết quả đánh giá, phân loại cán bộ hàng năm được tính liên tục để áp dụng các quy định có liên quan đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác đánh giá, phân loại cán bộ như: Việc đánh giá cán bộ Công đoàn hàng năm vẫn còn hình thức, chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Một số đơn vị vẫn chưa làm tốt công tác đánh giá cán bộ Công đoàn chuyên trách theo phân cấp quản lý; đánh giá cán bộ còn chủ quan, cảm tính, thiếu suy xét và theo dõi theo quá trình công tác. Có nơi công tác đánh giá cán bộ còn biểu hiện hình thức, chưa phát huy tốt nguyên tắc tập trung dân chủ…

Nguyên nhân của những hạn chế là do một số cán bộ Công đoàn chuyên trách trong hệ thống còn xem nhẹ việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; Tinh thần tự phê bình và phê bình của một số công chức còn chưa cao; việc đánh giá còn thiếu kiên quyết, nể nang, sợ mất lòng, ngại đưa ra chính kiến nhận xét, đánh giá của mình đối với cấp trên hoặc cấp dưới, chưa thực sự lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu về phẩm chất và năng lực cán bộ, cách đánh giá còn chung chung, thiếu cụ thể, hình thức, máy móc.

Đánh giá cán bộ là một vấn đề hệ trọng và cũng rất nhạy cảm, phức tạp. Đây cũng là khâu có ý nghĩa quyết định trong công tác cán bộ, quyết định dùng người, là cơ sở để bố trí, sắp xếp, sử dụng và thực hiện các chính sách đối với cán bộ. Nếu đánh giá sai sẽ dẫn đến dùng người hỏng việc, nảy sinh tư tưởng chán nản, mặc cảm, bi quan, tiêu cực.

Để nâng cao chất lượng trong công tác đánh giá cán bộ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động  Liên đoàn Lao động tỉnh, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, không ngừng bổ sung để hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá cán bộ theo hướng xác định cụ thể công việc; bảo đảm lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu để đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ. Phương thức đánh giá cần được bổ sung những yếu tố định lượng về công việc, thời gian hoàn thành, tỷ lệ xử lý thỏa đáng tình huống và những giải pháp sáng tạo trong giải quyết công việc. Nội dung, tiêu chí đánh giá cần thống nhất, cụ thể cho từng loại hình cơ quan, đơn vị; được lượng hóa để thuận lợi trong đánh giá, phân loại, bảo đảm đánh giá đúng thực chất và khuyến khích, động viên từng đối tượng được đánh giá làm việc có chất lượng, hiệu quả.

Hai là, đánh giá cán bộ một cách toàn diện, chú trọng lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách được giao làm thước đo. Để làm tốt công tác đánh giá cán bộ, trước hết từng cơ quan, đơn vị trên cơ sở tiêu chuẩn chung để xác định tiêu chuẩn về mọi mặt đối với từng vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trên cơ sở những tiêu chuẩn, đồng thời căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, tiến độ và chất lượng công việc, số lượng công việc được giao theo kế hoạch; nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất; mức độ khó khăn, phức tạp, yêu cầu về trình độ chuyên môn của công việc và các yếu tố khách quan khác để thấy rõ mặt mạnh, mặt yếu, mặt đúng và chưa đúng của đối tượng được đánh giá, xếp loại.

Ba  là, phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong đánh giá cán bộ. Khi đánh giá cán bộ, bên cạnh ý kiến nhận xét của cán bộ lãnh đạo quản lý, của cơ quan có thẩm quyền còn phải coi trọng ý kiến của tập thể. Nếu chỉ lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ phụ trách công tác tổ chức thì sẽ không thấy hết mọi mặt của người được đánh giá. Sau đánh giá, ý kiến đánh giá phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và thông báo cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được đánh giá biết.

Bốn là, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị mình; phải xác định rõ trách nhiệm trong đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và người lao động với tinh thần thẳng thắn, tự phê bình và phê bình cao; cần khắc phục cách đánh giá hình thức, giản đơn, qua loa, chiếu lệ; chỉ nêu ưu điểm, thành tích, né tránh khuyết điểm. Sau kiểm điểm đánh giá cần thực hiện nghiêm túc việc công khai kết quả phân loại đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Đánh giá cán bộ là khâu cần thiết, gắn kết với tất cả các khâu khác liên quan, có ý nghĩa to lớn trong công tác cán bộ. Kết quả đánh giá cán bộ là căn cứ quan trọng để tiến hành các khâu khác như quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng…Các khâu công tác cán bộ đều được thực hiện đúng sẽ đảm bảo việc phát triển, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên trách chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các cấp Công đoàn trong tình hình mới, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Đỗ Thúy Hà - Ban Tổ chức

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa