Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 18

    Hôm nay: 155

    Đã truy cập: 2258951

Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong tập hợp, đoàn kết và phát triển Đảng trong CNLĐ tại các Doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Trong những năm qua, tỉnh ta đang phát triển mạnh về công nghiệp, cùng với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách kích cầu, ưu tiên, thu hút đầu tư, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hình thành, số doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh ngày càng đông, số công nhân lao động (CNLĐ) làm việc trong các doanh nghiệp ngày càng nhiều, tính đến hết tháng 11 năm 2021, có hơn 12.000 Doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh, với gần 233.195 lao động đang được làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đem lại một nguồn lợi không nhỏ, chiếm tới trên 60 % GDP trên địa bàn tỉnh. Lực lượng CNLĐ luôn là lực lượng đi đầu trong các phong trào cách mạng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Song, phần đông CNLĐ làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều là lao động phổ thông, một bộ phận chưa đượcđào tạo cơ bản, tuổi đời còn trẻ, bản lĩnh chính trị, hiểu biết về pháp luật lao động, nội quy doanh nghiệp, ý thức tác phong làm việc công nghiệp còn nhiều hạn chế, cần có sự bồi dưỡng, giáo dục và rèn luyện.

Đối với hoạt động tổ chức Công đoàn, những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, đổi mới trong hoạt động, có tác động hiệu quả vào quá trình sản xuất kinh doanh, tham gia quản lý, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. Tổ chức Công đoàn ngày càng phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo Công nhân lao động tham gia, tính đến nay đã có 292.715 đoàn viên Công đoàn (trong đó đoàn viên Công đoàn trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước là 192.812 đoàn viên), đang sinh hoạt tại 3.604 Công đoàn cơ sở.

Ảnh: Lễ kết nạp đảng viên mới tại Đảng bộ Tổ chức tài chính vi mô Thanh Hóa (thuộc CĐ khu KT Nghi Sơn và các KCN tỉnh)

Để tiếp tục giữ vững và phát huy bản chất giai cấp công nhân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay, thì việc phát huy vai trò của tổ chứcCông đoàn trong việc tập hợp, đoàn kết và phát triển Đảng trong CNLĐ tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, là một nhiệm vụ quan trọngđang được Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh vàcác cấpCông đoàn trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm:

Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp Công đoàn trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, CNLĐ về Đảng, về chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần tự giác phấn đấu để trở thành người đảng viên thông qua việc thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị trong CNLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Với nhiều giải pháp được triển khai thực hiện, cùng với công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, các cấp Công đoàn đã tích cực đóng góp ý kiến phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động với Đảng, Nhà nước để có những chính sách phù hợp. Giới thiệu những đoàn viên Công đoàn ưu tú, cán bộ CĐCS tiêu biểu có trình độ, đủ năng lực tham gia vào các vị trí lãnh đạo của Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, hằng năm Công đoàn Thanh Hóa đặt mục tiêu mỗi Công đoàn cơ sở phải giới thiệu 01 đoàn viên Công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét bồi dưỡng, kết nạp vào Ðảng. Kết quả,từ năm 2019 đến nay các cấp Công đoàn đã giới thiệu được 11.454 đoàn viên Công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét bồi dưỡng, kết nạp, trong đó kết nạp được 6.928 đảng viên,

Ảnh: Lễ kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ CTCP TBGD Hồng Đức (thuộc CĐ khu KT Nghi Sơn và các KCN tỉnh)

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức,công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đạt được những kết quả quan trọng; tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động và chủ doanh nghiệp về công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Các tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động bước đầu khẳng định được vị trí, vai trò đối với sự phát triển của doanh nghiệp, tập hợp, động viên đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động chấp hành nghiêm pháp luật, thực hiện tốt nội quy, quy định của doanh nghiệp, yên tâm, hăng hái lao động sản xuất, ổn định việc làm, thu nhập”, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, đoàn kết người lao động trong doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tham gia định hướng doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, tăng cường mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.

Có được những chuyển biến tích cực như trên, bên cạnh những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của các chủ doanh nghiệp cũng như đội ngũ cán bộ Công đoàn, đó còn là nhu cầu chính đáng, khách quan cũng như nhận thức của người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước để được bảo vệ, được tập hợp, đoàn kết, đặc biệt là nhu cầu tự thân được đứng trong hàng ngũ của Đảng để họ có điều kiện phát huy tối đa năng lực cá nhân cũng như đóng góp cho cộng đồng, xã hội, đất nước và cho lý tưởng cách mạng.

Tuy nhiên, việc tập hợp, đoàn kết và phát triển đảng trong Công nhân lao động thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước còn có những khó khăn, hạn chế nhất định, đó là:

Chưa có sự quan tâm vào cuộc mạnh mẽ và phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp trong công tác phát triển Đảng và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong các đơn vị khu vực này; thiếu chủ động và các giải pháp đột phá, đổi mới, vì vậy nhiều khó khăn, vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời.

Nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Đảng ở khu vực này chưa thực sự được đổi mới cho phù hợp. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu chưa cao, đảng viên cũng chưa phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫuvận động, lôi cuốn quần chúng. Nên chưa tạo được động lực, khuyến khích công nhân lao động rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên.

Công tác tuyên truyền giáo dục, bồi dưỡng phát triển Đảng ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư­ nư­ớc ngoài; chưa thực sự quan tâm. Năng lực của đội ngũ cán bộ làm Công đoàn còn hạn chế, một số cán bộ ngại khó, thiếu kiên trì, một số đồng chí chưa có kinh nghiệm, chưa nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, dẫn đến lúng túng trong triển khai thực hiện nội dung sinh hoạt và hoạt động.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng trước hết phải nhận thấy, dù đã và đang tăng với tốc độ đột phá nhưng các doanh nghiệp ngoài nhà nước phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, mang tính chất cá thể, hộ gia đình. Những doanh nghiệp này không những ít lao động mà sản xuất, kinh doanh còn thiếu ổn định, lao động biến động thường xuyên, thu nhập thấp. Ðây là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng các tổ chức Công đoàn khu vực này phát triển với số lượng còn thấp.

Nhiều CNLĐ cho rằng họ là ngư­ời làm thuê, mối quan tâm chủ yếu của họ là việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo đời sống. Mặt khác, do lao động ca kíp gò bó và cường độ lao động căng thẳng, nên ngoài giờ làm việc công nhân rất mệt mỏi, họ muốn đ­ược nghỉ ngơi, không muốn tham gia các hoạt động đoàn thể và không muốn phấn đấu để trở thành đảng viên.

Nhiều chủ doanh nghiệp ch­ưa mặn mà với việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, thậm chí có một số chủ doanh nghiệp cho rằng thành lập tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp, sẽ vận động công nhân đấu tranh với chủ doanh nghiệp, sẽ cản trở và gây khó khăn cho sản xuất nên đã tìm cách né tránh không muốn cho thành lập tổ chức cơ sở Đảng ở doanh nghiệp của mình.

Từ những vấn đề trên, việc phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong tập hợp, đoàn kết và phát triển đảng trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là tất yếu khách quan, được đặt ra một cách cấp bách, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, cần chú ý đến một số giải pháp cơ bản sau đây:

Thứ nhất, cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thành lập các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, nhất là tổ chức Công đoàn. Để qua đó thực hiện tốt công tác tuyên tuyền, giáo dục nâng cao nhận thức về Đảng về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho CNLĐ. Mặt khác thông qua hoạt động của các tổ chức đoàn thể để bồi d­ưỡng, rèn luyện nâng cao ý chí và tinh thần tự giác phấn đấu trở thành đảng viên của công nhân, nhằm tạo nguồn để Đảng xem xét kết nạp.

Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, làm chuyển biến về nhận thức của các chủ thể trong doanh nghiệp. Cụ thể:

Đối với người sử dụng lao động cần hiểu rõ, việc thành lập tổ chức Đảngtrong doanh nghiệp là giúp cho doanh nghiệp phát triển ngày càng bền vững, hiệu quả và nhất là xây dựng tốt được mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp. Từ đó, giúp người sử dụng lao động hiểu và thực hiện đúng pháp luật, tạo điều kiện để tổ chức Đảng hoạt động có hiệu quả.

Đối với công nhân, cần được nâng cao nhận thức về vai trò của tổ chức Đảng, cũng như ý thức được về tầm quan trọng của việc tham gia tổ chức này, một “trường học” đặc biệt để được tập hợp, đoàn kết cũng như được giáo dục, rèn luyện để đứng trong hàng ngũ của Đảng để phát huy giá trị và năng lực bản thân, trách nhiệm của bản thân với tập thể, tổ chức và với xã hội, với đất nước.

Thứ ba, nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, công tác Công đoàn trong việc tập hợp, đoàn kết và phát triển Đảng trong công nhân. Theo đó, Công đoàn cấp trên cơ sở cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn, nhất là cán bộ CĐCS về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác, hiểu biết pháp luật, năng động, sáng tạo, bản lĩnh, hết lòng vì người lao động, vừa biết khéo léo và biết nói lên tiếng nói của người lao động, vừa hiểu tâm lý của giới chủ, biết cách tham mưu, đề xuất với giới chủ.

Thứ tư, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn. Tăng cường phát động và tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, đặc biệt là phong trào “Công nhân viên chức lao động chung sức hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh thịnh vượng giai đoạn 2021-2030”, tạo điều kiện cho công nhân rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên. Qua đó phát hiện, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện những đoàn viên Công đoàn ưu tú để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể cho từng năm, chọn lọc nội dung tuyên truyền, học tập và có hình thức tổ chức linh hoạt, sáng tạo các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân lao động./.

Lê Chung Văn - Trưởng ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa