Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 32

    Hôm nay: 84

    Đã truy cập: 2258880

Tình hình sản xuất của các Doanh nghiệp may mặc trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, cùng với các ngành sản xuất khác, các doanh nghiệp (DN) may mặc bước vào thời kỳ thích ứng linh hoạt để phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn do thiếu nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng cao, cạnh tranh lao động đang là những cản trở hiện hữu.

       Từ đầu năm đến nay, lượng đơn hàng may mặc đến với các DN trên địa bàn Thị xã khá đều đặn. Ở một số DN lớn có thể đạt mức tăng trưởng 30 - 40%. Trong những tháng đầu năm, các DN đã có nguồn nguyên liệu được dự trữ từ cuối năm 2021. Tuy nhiên từ tháng 2 đến nay, nguồn cung nguyên liệu rất nhiều thời điểm về chậm so với kế hoạch, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất của DN. Đến thời điểm này, số DN may mặc có đủ nguồn cung nguyên phụ liệu, bảo đảm hoạt động sản xuất đến hết quý II và quý III là không nhiều. Trong bối cảnh đó, nhiều DN đã chủ động, linh hoạt bằng nhiều cách làm khác nhau để duy trì đơn hàng sản xuất. Điển hình như tại Công ty TNHH May Huệ Anh, hiện đơn vị cơ bản đủ nguyên liệu cho sản xuất đến hết tháng 9 năm nay. Đại diện DN cho biết: Từ nhiều năm nay, ngoài Trung Quốc, DN đã chủ động tìm kiếm nguồn cung từ thị trường Hàn Quốc và trong nước; đồng thời, linh hoạt các phương án, hình thức giao, nhập hàng. Do vậy, 16 chuyền may của đơn vị vẫn đang hoạt động hết công suất, bảo đảm sản xuất ổn định và đáp ứng được tiến độ giao hàng cho các đối tác đến từ thị trường Mỹ, EU và một số nước châu Á.

       Hiện nay, khi thị trường Trung Quốc bị gián đoạn nguồn cung ở nhiều thời điểm, các đơn hàng nguyên phụ liệu thường về chậm 1 - 2 tháng so với kế hoạch. Nguy cơ bị giảm công suất kéo theo chậm trễ đơn hàng đang đặt ra những sức ép lớn cho DN. Trong khi đó, việc chuyển qua nhập khẩu từ thị trường khác là không dễ đối với tất cả các DN bởi chi phí vận chuyển và logistics đang ở mức cao. Giải pháp trước mắt mà DN dệt may thực hiện là tìm kiếm thêm nguồn cung nguyên phụ liệu và thương lượng với đối tác để kéo dài thời gian giao hàng.

       Không chỉ gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu, nhiều DN may mặc còn đang phải đối phó với tình trạng đơn giá vận tải 2 chiều tăng cao và tác động do giá xăng dầu tăng cao, cước vận tải hàng hóa đã tăng khoảng 20% so với năm 2021, làm giảm lợi nhuận đối với DN. Trong bối cảnh đó, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều DN mới gia nhập ngành may mặc, khiến tình trạng cạnh tranh lao động ngày càng gay gắt. Để giữ ổn định công suất, đáp ứng sản lượng, tiến độ giao hàng cho đối tác, DN không ngừng đưa ra những chính sách đãi ngộ cho người lao động... Đây cũng là một trong những khó khăn đối với DN trong bối cảnh “hồi sức” sản xuất.

       Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất may mặc đang đạt được những bước phát triển khá, là một trong những ngành công nghiệp chủ lực đóng góp cao cho tăng trưởng công nghiệp, ngành may mặc tăng trưởng 38%. Ngoài nỗ lực của các DN trong chủ động khắc phục khó khăn, Lãnh đạo các cấp, các ngành đang tiếp tục nắm bắt khó khăn, kiến nghị các giải pháp phù hợp; đồng thời, hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối cung cầu. Đặc biệt, sẽ tận dụng có hiệu quả những lợi thế, các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia, tăng cường việc mở rộng các thị trường mới để giúp DN tránh phụ thuộc vào một thị trường xuất và nhập khẩu.

                                                                                      Phạm Xuân

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa