Một số giải pháp trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại các Công đoàn cơ sở trực thuộc ngành Xây dựng.
Với đặc thù của ngành Xây dựng là lao động không tập trung, đa lĩnh vực, chủ yếu hoạt động trên các công trường xây dựng, các nhà máy sản xuất vật liệu xây tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động, cùng với đó các đơn vị trong ngành sử dụng nhiều lao động mang tính chất thời vụ.
Vì vậy trong những năm qua, Công đoàn ngành Xây dựng Thanh Hoá đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở trực thuộc phối hợp với chuyên môn làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại đơn vị một cách chặt chẽ, đây luôn được các Công đoàn trong Ngành xác định là một hoạt động quan trọng, một khâu then chốt trong thi công, sản xuất của các đơn vị trong ngành xây dựng. Triển khai công tác an toàn vệ sinh lao động một cách hiệu quả, qua đó đóng góp một phần quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các đơn vị, nâng cao đời sống của người lao động trong ngành.
Khẩu hiệu an toàn lao động tại nơi sản xuất.
Để thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ, các Công đoàn trong ngành Xây dựng cần thực hiện tốt các giải pháp sau trong thời gian tới:
1. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức về công tác BHLĐ cho cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động.
Các cấp công đoàn trong ngành cần phát huy hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác an toàn, vệ sinh lao động. Quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ gắn liền với nhiệm vụ sảnh xuất kinh doanh của đơn vị.
Xây dựng, thực hiện chương trình huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động hàng năm; kịp thời cập nhật thông tin, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đến doanh nghiệp, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn và người lao động.
2.Tăng cường kiểm tra giám sát chế độ chính sách về an toàn, vệ sinh lao động.
Hằng năm xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch, nội dung kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại đơn vị, doanh nghiệp. Kết hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát với việc hướng dẫn thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại đơn vị. Kịp thời kiến nghị, khắc phục và xử lý những hiện tượng sai trái, vi phạm pháp luật, các chính sách về an toàn vệ sinh lao động treo quy định (Ký thoả ước lao động tập thể có nội dung về an toàn vệ sinh lao động).
Kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
Phối hợp với cơ quan chức năng tập trung vào giám sát, kiểm tra, thanh tra về an toàn, vệ sịnh lao động tại các doanh nghiệp có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; kiểm tra việc xây dựng các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; việc đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (nồi hơi, bình chứa khí nén, thang máy, thanh cuốn, cần trục, cẩu trục, giàn giáo.....).
Nghiên cứu xây dựng phương pháp, nội dung các tiêu trí kiểm tra, hình thức kiểm tra, chấm điểm thi đua để nâng cao hiệu quả kiểm tra an toàn vệ sinh lao động của Công đoàn.
3. Nâng cao hiệu quả các phong trào quần chúng làm công tác an toàn vệ sinh lao động
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chuyên môn đồng cấp tổ chức phát động phong trào thi đua về an toàn vệ sinh lao động, phong trào quần chúng làm công tác an toàn vệ sinh lao động. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, qua đó thúc đẩy sự tham gia của người sử dụng lao động và người lao động trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
Đẩy mạnh việc phát triển về số lượng, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các cơ sở sản xuất. Tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh lao động và kỹ năng, phương pháp hoạt động cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên.
Tổ chức, vận động và động viên, khen thưởng kịp thời đoàn viên, người lao động có các sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Biểu dương, khen thưởng và đề nghị các cấp có thẩm quyền tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn vệ sinh lao động.
Kiện toàn bộ máy, đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác an toàn vệ sinh lao động từ cấp trên trực tiếp cơ sở đế công đoàn cơ sở.
4. Đổi mới việc tổ chức các hoạt động, sự kiện chuyên đề về an toàn vệ sinh lao động hướng vào chủ đề, nội dung của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động.
Tổ chức thi tìm hiểu về an toàn, vệ sinh lao động, Hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi tại ngành Xây dựng và đơn vị, doanh nghiệp cơ sở.
Tổ chức tọa đàm, đối thoại triển khai chính sách với doanh nghiệp, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động; Tổ chức giao lưu, thăm quan mô hình, điển hình làm tốt về an toàn, vệ sinh lao động.
Tổ chức tư vấn, tập huấn, huấn luyện, hội nghị, hội thảo chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động; khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giao lưu văn hoá, văn nghệ có nội dung tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức ký cam kết thi đua thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Lê Văn Thực – Công đoàn ngành Xây dựng Thanh Hoá