Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng mức 6% từ ngày 1/7/2024
Sáng 20/12, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên thứ hai để bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2024. Sau một buổi sáng bàn thảo, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu, chốt trình phương án tăng lương tối thiểu vùng ở mức tăng bình quân 6% từ ngày 1/7/2024.
Trao đổi với báo chí ngay sau khi phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia kết thúc, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia đánh giá, mức tăng 6% là phù hợp trong bối cảnh người lao động chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp. "Mức tăng này cơ bản đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động" - ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.
Với mức tăng lương tối thiểu vùng này, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên để người lao động nâng cao năng suất, cùng doanh nghiệp vượt khó. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tiếp tục mở rộng thị trường, tăng thêm đơn hàng để người lao động có việc làm trong thời gian tới.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, lương tối thiểu vùng tăng 6% cơ bản đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động. Ảnh minh họa.
Ở góc độ đại diện giới chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, tại phiên họp thứ hai hôm nay, trong đề xuất của đại diện người lao động có mức cao hơn mức được Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt (mức 6%); người sử dụng lao động có đề xuất mức thấp hơn. Sau đó, qua thảo luận nhiều chiều đã thống nhất mức tăng là 6% để trình cấp thẩm quyền, từ đó ban hành Nghị định để thực hiện.
Trước đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024, lần lượt các mức tăng là 7,3% và gần 6,5%.
Phương án 1: Điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2024, với mức tăng từ 250.000 đồng - 320.000 đồng, bình quân tăng 7,3%.
Phương án 2: Điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2024, với mức tăng từ 220.000 đồng - 290.000 đồng, bình quân tăng 6,48%.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ngọ Duy Hiểu, hai phương án trên được đưa ra trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và cân nhắc nhiều mặt, gồm cả trách nhiệm chia sẻ với người sử dụng lao động. Theo đó, hiện nay, bối cảnh kinh tế đã có nhiều khởi sắc, cuối năm đơn hàng của doanh nghiệp tăng hơn; tăng trưởng chung khả quan hơn trong bối cảnh chung của thế giới.
Việc đề xuất hai phương án trên của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng căn cứ theo Điều 91 Bộ luật Lao động với 7 yếu tố để xem xét điều chỉnh lương tối thiểu hằng năm, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế, đảm bảo sự đồng bộ về cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang theo Nghị quyết 27 từ ngày 1/7/2024. Ngoài ra, đề xuất này còn để cải thiện điều kiện của người lao động, giảm thiểu tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần...
Nguồn: Laodongthudo.vn