Nâng cao chất lượng hoạt động nữ công ở Công đoàn cơ sở trên địa bàn huyện
Công tác Nữ công là một nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của tổ chức Công đoàn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp, những năm qua, vai trò của tổ chức Công đoàn nói chung được nâng cao của công tác nữ công ngày càng được khẳng định, hoạt động nữ công của các cấp công đoàn trong huyện đạt được nhiều kết quả, góp phần tích cực trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên, người lao động và trẻ em.
Hiện nay, tổng số nữ đoàn viên Công đoàn của huyện là 14.890/17.075 đoàn viên Công đoàn chiếm tỷ lệ 87,8%. Lao động nữ tập trung chủ yếu ở CĐCS khối Giáo dục (chiếm 76%), khối doanh nghiệp giày da, may mặc (chiếm 95%) Ban Nữ công Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện gồm 5 đồng chí được cơ cấu ở Cơ quan Thường trực LĐLĐ huyện và các cơ quan cấp huyện và đại diện CĐCS mỗi khối 01 đồng chí, 48 Ban Nữ công quần chúng công đoàn cơ sở (CĐCS), 130 CĐCS cử 01 đồng chí ủy viên Ban Chấp hành phụ trách công tác nữ công với tổng số Ủy viên tham gia công tác nữ công là 290 đồng chí. Ban Nữ công Công đoàn các cấp có trách nhiệm tham mưu cho Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp về công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động, công tác giới, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác dân số, gia đình, trẻ em,...
Hội nghị Người lao động thường niên tại công ty TNHH giày Adiana Việt Nam có 95% Lao động nữ
Trong những năm qua hoạt động nữ công có nhiều đổi mới, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, ban nữ công Công đoàn từ huyện đến cơ sở đã tuyên truyền, triển khai, quán triệt đầy đủ, kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ, bình đẳng giới, công tác gia đình và trẻ em; thường xuyên phối hợp với người sử dụng lao động đảm bảo việc làm, thu nhập và các chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi cho lao động nữ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, gắn với nâng cao chất lượng hoạt động của câu lạc bộ nữ công liên ngành, ban nữ công quần chúng tại các doanh nghiệp. Nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ Công đoàn có nhiều chuyển biến tích cực, các cấp công đoàn đã dành nhiều sự quan tâm cho các hoạt động Công đoàn mang đặc thù giới. Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10)..., Công đoàn cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động, như: Hội thi, gặp mặt, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về công tác, về cuộc sống; thăm hỏi các gia đình nữ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn; biểu dương, khen thưởng những cán bộ nữ công xuất sắc, phụ nữ tiêu biểu trong lao động sản xuất và xây dựng hạnh phúc gia đình.
Hội thao Nữ CNVCLĐ huyện Triệu Sơn năm 2024
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” có chuyển biến tích cực, góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm nữ công nhân, viên chức, lao động trong công tác, lao động, sản xuất, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho chị em. Có 90% nữ đoàn viên Công đoàn được công nhận danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” các cấp. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Công đoàn các cấp đạt 42%.
Chuyển biến đó là kết quả của sự vận dụng kết hợp nhiều cách làm như: Tập trung đổi mới công tác tuyên truyền các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm nâng cao trình độ, nhận thức trong đoàn viên, lao động nữ và bình đẳng giới. Chủ động tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quyền lợi của lao động nữ; tham mưu giải quyết các vấn đề bức xúc của lao động nữ. Tham gia góp ý kiến xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến lao động nữ. Tham gia và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp. Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ cùng cấp thực hiện tốt các chương trình phối hợp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ công và nâng cao chất lượng hoạt động của công tác nữ công và Ban Nữ công của Công đoàn cơ sở.
Tuy nhiên hoạt động nữ công trên địa bàn huyện còn một số hạn chế như: Việc nắm bắt diễn biến tư tưởng, nguyện vọng của nữ đoàn viên, người lao động của một số Ban nữ công CĐCS có lúc, có thời điểm còn chậm; Công tác tuyên truyền nhận thức về pháp luật lao động cho nữ đoàn viên, người lao động có lúc, có nơi chưa kịp thời, vẫn còn tình trạng đoàn viên, người lao động vi phạm nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Một số Ban nữ công quần chúng hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa chủ động tham mưu cho Ban Chấp hành cùng cấp tổ chức các hoạt động trong nữ CNVCLĐ; việc tổ chức các phong trào thi đua còn mang tính thời điểm...
Để nâng cao chất lượng hoạt động nữ công ở cơ sở trên địa bàn huyện trong thời gian tới, hoạt động nữ công Công đoàn cơ sở cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
1. Tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn các cấp đối với công tác nữ công. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công công đoàn các cấp nhất là ban nữ công quần chúng ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
2. Ban nữ công Công đoàn các cấp cần chủ động tham mưu, đề xuất nội dung công tác nữ công trong chương trình làm việc toàn khóa của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành công đoàn nhiệm kỳ 2023 -2028; kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác nữ công đã nêu trong Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; hoạt động nữ công cụ thể, thiết thực ngay từ đầu năm, tranh thủ sự hỗ trợ về kinh phí từ chính quyền, người sử dụng lao động tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú phù hợp để thu hút đông đảo lao động nữ tham gia.
3. Đổi mới nội dung sinh hoạt và đa dạng hoá phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với đặc thù của nữ CNVCLĐ ở từng lĩnh vực kết hợp với chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền. Đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ, chú trọng triển khai phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”.
4. Phải gần gũi và thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em; kịp thời phản ánh những trường hợp khó khăn, đột xuất với cấp ủy, chính quyền và Công đoàn để được hỗ trợ giúp đỡ, tạo động lực cho chị em phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; bố trí sử dụng lao động nữ hợp lý nhằm phát huy năng lực và sở trường của nữ CNVCLĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
5. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, chuyên môn trong công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động và con CNVCLĐ có hiệu quả nhất định; quan tâm đến những vấn đề thiết thực trong cuộc sống hằng ngày của các chị em như: vấn đề tiền lương, tiền thưởng, chế độ bảo hiểm, chế độ làm thêm giờ, đào tạo, đề bạt, khen thưởng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, xây dựng gia đình hạnh phúc,… Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ, phát hiện, kiến nghị để xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật.
Nguyễn Thị Thảo - Liên đoàn Lao động huyện Triệu Sơn