Một số giải pháp tuyên truyền nâng cao đạo đức công vụ cho Đoàn viên, người lao động khối cơ quan hành chính đơn vị sự nghiệp huyện Ngọc Lặc
Đạo đức công vụ là hệ thống các nguyên tắc, các quy tắc hành vi, xử sự trong công vụ, nhằm điều chỉnh thái độ, hành vi, cách xử sự, chức trách, bổn phận, nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ và những người khác khi được uỷ quyền thực thi công vụ (từ khía cạnh chủ quan). Ngoài phạm vi công vụ thì đạo đức của cán bộ, công chức Nhà nước không trở thành đạo đức công vụ. Từ góc độ khách quan, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức là thái độ, hành vi, cách xử sự, việc thực hiện chức trách, bổn phận, nghĩa vụ của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ. Như vậy Đạo đức công vụ thực chất là những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, khi thực thi công vụ, cán bộ, công chức phải tuyệt đối chấp hành.
Nhận thức được tầm quan trọng của đạo đức công vụ, trong những năm qua Ban Thường vụ LĐLĐ huyện Ngọc Lặc luôn quan tâm chỉ đạo các Công đoàn cơ sở trong huyện tổ chức nhiều hoạt động nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ công chức trong huyện đã góp phần nâng cao chất lượng phần nào đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ, từ đó phát huy tốt khả năng của mình và không ngừng nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng vào sự đổi mới của quê hương Ngọc Lặc.
Về trình độ, cơ bản đoàn viên, người lao động huyện đã được đào tao, bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Về đánh giá hàng năm, đa số đoàn viên, người lao động cấp huyện, xã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao, có 90% cán bộ công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, đội ngũ công chức luôn có tinh thần trách nhiệm trong công việc, lối sống lành mạnh, giản dị, gắn bó với nhân dân và góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện.
Đội ngũ đoàn viên, người lao động đã vượt qua khó khăn, thử thách, cố gắng thực hiện và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, chấp hành sự phân công của tổ chức, lối sống lành mạnh, giản dị, gắn bó với nhân dân.
Tuy nhiên, vẫn còn có một bộ phận nhỏ đoàn viên, người lao động, đặc biệt là cấp xã giải quyết công việc còn đặt nặng tính thủ tục, nguyên tắc cứng nhắc, hướng dẫn, giải thích công việc cho người dân một cách lòng vòng, khó hiểu, thái độ làm việc hời hợt, thiếu nhiệt tình, thiếu tính thân thiện trong giao tiếp với tổ chức, công dân.
Tình trạng mất đoàn kết nội bộ một số nơi vẫn còn xảy ra, bớt xén thời gian làm việc, đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm, chưa thường xuyên học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác hạn chế, có biểu hiện cục bộ, kèn cựa địa vị, ganh tị, bè phái, thiếu sự phối hợp dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là:
Mặt trái của cơ chế thị trường đang hàng ngày, hàng giờ tác động đến tư tưởng tình cảm của đoàn viên, người lao động trong khi chế độ chính sách đãi ngộ, nhất là chính sách tiền lương còn nhiều bất cập. Các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu diễn biến hoà bình, bằng các thủ đoạn tinh vi và thâm độc... làm tha hoá cán bộ đảng viên, hòng thực hiện những âm mưu, ý đồ thâm độc của chúng.
Công tác tuyên truyền, triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, Pháp luật Nhà nước, Nghị quyết của Công đoàn cấp trên về đạo đức công vụ đến đội ngũ cán bộ công chức có lúc, có nơi chưa chưa hiệu quả, thiếu sáng tạo.
Bản thân một bộ phận đoàn viên, người lao động chưa thực sự gương mẫu, thiếu nghiêm khắc với bản thân, không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, thụ động trong công việc, thiếu chủ động trong thực hiện nhiệm vụ.
Để không ngừng nâng cao đạo đức công vụ và khắc phục những tồn tại hạn chế của đoàn viên, người lao động trong huyện trong thời gian tới Liên đoàn Lao động huyện cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Tăng cường công tác giáo dục cho đoàn viên, người lao động về đạo đức cách mạng, động viên đoàn viên, người lao động tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực, luôn bám sát thực tiễn, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng công tác, rèn luyện bản lĩnh và năng lực lãnh đạo, quản lý, khả năng hợp tác, tổ chức thực hiện và sự chịu trách nhiệm; kiên quyết và kiên trì trong cuộc đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái.
Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tăng cường công tác tuyên truyền, đăng ký việc làm cụ thể làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác gắn với vị trí công việc của mỗi đoàn viên, người lao động từ huyện đến cơ sở.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, phương pháp, hình thức tuyên truyền cho đoàn viên, người lao động; nắm bắt kịp thời tình hình đoàn viên, người lao động, các vấn đề bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động đề xuất với Đảng, Chính quyền, các ngành có liên quan xem xét, giải quyết.
Nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban Kiểm tra công đoàn từ huyện đến cơ sở; kiểm tra việc thực hiện Điều lệ công đoàn, thực hiện nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện, uốn nắn, sửa chữa và xử lý kịp thời các sai phạm của đoàn viên, người lao động theo Điều lệ Công đoàn, Luật công đoàn và Luật cán bộ công chức.
Coi trọng nhiệm vụ giáo dục cho đoàn viên, người lao động về đạo đức, phẩm chất, lối sống thông qua sinh hoạt Công đoàn, sinh hoạt của cơ quan và sinh hoạt ở tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể trong cơ quan. Từng bước khắc phục tư tưởng ngại khó, trông chờ, ỷ lại, động viên, khích lệ ý thức tự vươn lên của mỗi đoàn viên, người lao động; Không ngừng nâng cao chất lượng công tác đánh giá đoàn viên, người lao động, phân loại đoàn viên hàng năm gắn với công tác thi đua khen thưởng khen thưởng chuyên môn và khen thưởng đảng viên, kỷ luật theo Điều lệ công đoàn, Luật Cán bộ công chức và hướng dẫn của Công đoàn cấp trên.
Tích cực tham gia góp ý xây dựng và hoàn thiện tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ trong việc đề bạt, bố trí cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, trong đó chú trọng thành tích, kinh nghiệm công tác và tính nêu gương đạo đức, trách nhiệm trong lối sống và công việc.
Thực hiện có hiệu quả chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, người lao động, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho CNVCLĐ trong huyện; xây dựng quy chế khen thưởng thích đáng về vật chất và tinh thần đối với đoàn viên, người lao động làm việc có trách nhiệm, hiệu quả và đạo đức tốt.
Nâng cao đạo đức công vụ cho đoàn viên, người lao động khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp huyện Ngọc Lặc là việc làm thiết thực, cụ thể, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, bởi từ đó mọi Chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước và lợi ích mới thực sự đến được với đoàn viên, người lao động; đồng thời từ đó đoàn viên, người lao động có ý thức tự vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đoàn viên Công đoàn toàn huyện, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần cùng Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ bộ huyện lần thứ XXIV đã đề ra./.
Trịnh Việt Hải - Liên đoàn Lao động huyện Ngọc Lặc