Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để hoàn thiện bản thân, làm tròn vai trò của “Người thầy”.
Nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, mỗi người dân Việt Nam luôn cảm thấy tự hào và biết ơn vô hạn, Người đã để lại tài sản vô giá là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực với phong cách sống giản dị, thanh cao, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, nhân loại và thời đại.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người Việt Nam. Tuy nhiên, học và làm như thế nào để phù hợp thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực là điều mà mỗi chúng ta cần nhận thức đầy đủ với tinh thần trách nhiệm cao trong quá trình nghiên cứu và vận dụng.
Là người có nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, làm công tác quản lí tại trường THPT Chuyên Lam Sơn – một ngôi trường có bề dày lịch sử và truyền thống Dạy tốt-Học tốt bậc nhất xứ Thanh, bản thân tôi luôn ý thức sâu sắc việc học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tại Nhà trường chúng tôi, nội dung chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã được Đảng uỷ, Ban Giám Hiệu, Ban Chấp hành Công Đoàn triển khai sâu rộng tới toàn thể CB,GV, NLĐ. Cuộc vận động luôn gắn với phong trào thi đua “Dạy tốt-Học tốt”, thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng nên thực sự đã có sức lan toả và tạo nên nhiều chuyển biến tích cực. Quán triệt sâu sắc tinh thần của cuộc vận động, trong mọi công tác, chúng tôi không dừng lại ở việc “học tập” mà cố gắng “làm theo” tấm gương đạo đức, tác phong của Người.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: ”Giáo viên cần chú ý cả tài cả đức, tài là văn hoá, chuyên môn, đức là chính trị, Thầy giáo, Cô giáo phải là tấm gương mẫu mực”. Lời dạy ấy của Bác không chỉ đòi hỏi ở đội ngũ giáo viên những yêu cầu phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ, mà còn là lời nhắn nhủ về phong cách ứng xử trong môi trường giáo dục nói riêng. Hiểu rõ tầm ảnh hưởng của mình, thế hệ trẻ, đội ngũ CBQL, NG của nhà trường đã và đang học tập, rèn luyện phong cách đạo đức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của giáo dục chất lượng cao. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là để mỗi người tự nhìn nhận lại mình, tự soi vào đó để hoàn thiện bản thân, làm tròn vai trò của “Người thầy”, trong đó tập trung vào một số vấn đề:
Thứ nhất, nâng cao phẩm chất chính trị, ý thức đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của người Giáo viên.
Từ xưa đến nay, nghề giáo luôn được xã hội tôn vinh, đồng thời cũng mang theo nhiều kỳ vọng. Nghề không chỉ truyền đạt tri thức, mà còn định hướng, giáo dục nhân cách cho học sinh, thông qua “dạy chữ” để “dạy người”. Vì thế, bản thân mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương về đạo đức. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi được làm việc, gắn bó ở trường THPT Chuyên Lam Sơn, nơi có đội ngũ giáo viên giỏi, nhiệt tình và tâm huyết với Hội đồng Sư phạm của nhà trường gồm nhiều thế hệ vừa là thầy trò, vừa là đồng nghiệp luôn giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau, tạo nên một tinh thần đoàn kết, có sức mạnh tổng hợp giữa kinh nghiệm của người đi trước với sự năng động, kiến thức cập nhật của người đi sau. Mỗi cá nhân ý thức tự rèn luyện đạo đức nhà giáo, góp phần dựng nên những giá trị cốt lõi của nhà trường: Trí tuệ, nhân cách và sáng tạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Làm việc gì cũng có cái tâm” đối với người thầy cái tâm ấy chính là là sự yêu thích, quan tâm chân thành với học sinh, là trách nhiệm với công việc được giao, là sự dạy dỗ, đồng hành cùng các em trong quá trình giáo dục. Truyền cảm hứng học tập đôi khi bằng sự yêu quý, cảm phục đối với thầy cô. Bên cạnh đó, đối với người làm công tác quản lý, cán bộ công đoàn, cái “tâm” trong sáng chính là sự lắng nghe, thấu hiểu và học tập lẫn nhau. Bằng lắng nghe để để giải quyết công việc một cách thấu đáo, hiệu quả, có lý có tình; đó cũng là cơ sở của sự đoàn kết tập thể, nhân đó tạo nên sức mạnh để đơn vị cá nhân hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ hai, nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo. Bác đã dạy chúng ta: ”Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được, không tiến bộ được là thoái bộ”. Bản thân Người chính là tấm gương lớn về tinh thần tự học và sáng tạo.
Trường THPT Chuyên Lam Sơn với trọng trách cao cả là trường trọng điểm chất lượng cao cũng cần phát triển toàn diện với tầm nhìn mới, triết lý mới, hướng tới những mục tiêu cao hơn. Là một thành viên, một cán bộ quản lý của nhà trường, tôi hiểu rằng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Giáo dục thì bản thân phải không ngừng học hỏi, tự cập nhật, trau dồi kiến thức, khắc phục khó khăn, Nhà trường rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng đội ngũ cũng như tự bồi dưỡng tại chỗ. Một trong những việc làm cụ thể để giáo viên lựa chọn thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là chọn chuyên đề tự nâng cao năng lực chuyên môn, để nâng cao chất lượng giảng dạy hoặc phục vụ công tác bồi dưỡng HSG. Bản thân tôi cũng luôn cố gắng học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua giao lưu, trao đổi, dự giờ, Hội thảo khoa học. Dù làm công tác quản lý, song tôi vẫn đều đặn tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển HSG cấp quốc gia, viết SKKN để áp dụng hiệu quả tại trường THPT Chuyên Lam Sơn, các SKKN đều được xếp loại cấp ngành.
Trong tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp giáo dục, nhấn mạnh nguyên lý “Học đi đôi với hành. Điều này đã được kế thừa và phát huy trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Trường THPT Chuyên Lam Sơn tự hào là một trong những đơn vị dẫn đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Các thầy giáo, cô giáo thực sự trở thành người tổ chức, hướng dẫn để học sinh chủ động nắm bắt kiến thức, phát triển năng lực sáng tạo. Bên cạnh công tác giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng HSG Quốc gia, Quốc tế chúng tôi còn chủ động dẫn dắt học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội, dạy kiến thức không tách rời bồi dưỡng nhận thức, nhân cách.
Muốn Giáo dục đổi mới, bản thân mỗi thầy giáo, cô giáo phải tự giác đổi mới, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, tự tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương bằng những việc làm, hành động cụ thể, theo đúng phương châm “trên trước, dưới sau”, “học tập đi đôi với làm theo”, thường xuyên tự soi, tự phấn đấu. Chủ động tổ chức các cuộc gặp gỡ trao đổi, các buổi toạ đàm để biểu dương, tuyên truyền nhân rộng các tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác, tạo sự lan toả trong nhà trường, trong ngành Giáo dục.
Từ thực tế quá trình phấn đâu rèn luyện của đội ngũ các thầy giáo, cô giáo trường THPT Chuyên Lam Sơn, từ sự nỗ lực của bản thân trong 3 năm qua, chúng tôi đã góp phần nhỏ bé vào thành tích chung của nhà trường. Đặc biệt trong công tác bồi dưỡng HSG: Ba năm liên tục số lượng HSGQG tăng lên, liên tục có HSG Olympic Quốc tế. Trường THPT Chuyên Lam Sơn liên tục là một trong những trường chuyên thuộc tốp đầu cả nước về chất lượng mũi nhọn. Năm học 2022-2023, đến thời điểm này nhà trường có 2 học sinh tham dự Olympic Châu Á-Thái Bình Dương môn Vật lý và Tin học. Tuy nhiên thành quả lớn nhất mà những người làm nghề giáo chúng tôi nhận được là sự tiến bộ và trưởng thành của các thế hệ học sinh nhà trường. Chúng tôi tự hào đã góp phần tạo ra những giá trị cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương Thanh Hoá giàu đẹp, văn minh, phát triển. Điều này càng khẳng định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng rõ ràng, tích cực cho mỗi cá nhân, tập thể trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng nhận thấy những gì mình làm được còn quá nhỏ bé so với mục tiêu, ý nghĩa của cuộc vận động “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Vì thế trong Hội nghị hôm nay, tôi rất mong được chia sẻ, học hỏi những tấm gương điển hình tiên tiến ở các ngành, các đơn vị để cuộc vận động có sức lan toả sâu rộng hơn nữa.